Thứ Sáu, ngày 11 tháng 07 năm 2025

Hội thảo “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Ngày phát hành: 11/07/2025 Lượt xem 35

Sáng ngày 10.7.2025, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS.NS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ: Với những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đến nay, đất nước ta đã hội đủ các điều kiện cần thiết để bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Thông điệp quan trọng này của Đảng được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đã truyền cảm hứng và niềm tin mãnh liệt đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Theo đồng chí Tổng Bí thư, kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại. Cùng với những đổi mới và chuyển động quyết liệt, mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sự phát triển của văn học, nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặc biệt là phát huy sức mạnh văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới, đưa đất nước đi tới hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý đến từ các cơ quan, bộ, ban ngành và các đơn vị nghiên cứu. Các tham luận, ý kiến phát biểu trao đổi tại Hội thảo tập trung làm rõ các nhóm vấn đề cơ bản như: Tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước; tăng cường sự gắn bó chặt chẽ, máu thịt giữa phát triển văn học, nghệ thuật với thực tiễn phát triển của đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; chăm lo phát triển đội ngũ, xây dựng môi trường thuận lợi nhằm phát huy cao nhất tài năng của nghệ sĩ; Phát triển thị trường văn học, nghệ thuật; xây dựng công nghiệp văn hoá và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sáng tạo và phổ biến văn học, nghệ thuật; coi trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn học, nghệ thuật dân tộc đồng thời với việc mở rộng hội nhập và đối thoại văn hoá quốc tế.

 

PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Văn học, nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như giải quyết mối quan hệ giữa tính giải trí và tư tưởng đạo đức nghệ thuật thẩm mỹ; giữa sáng tạo cảm xúc cá nhân với sáng tạo thông qua các tổ chức đổi mới sáng tạo; sự ra đời của trí tuệ nhân tạo; giữ vững tính bản sắc, tính dân tộc và tính hiện đại hội nhập, giữa gìn giữ truyền thống và làm mới truyền thống... Và, khẳng định “Muốn phát triển được công nghiệp văn hóa, muốn các sản phẩm văn học, nghệ thuật của các nhà văn, nghệ sĩ hàng hóa hóa được, thương mại hóa được thì chúng ta cần một hệ sinh thái rất đa dạng gắn với hệ sinh thái kinh tế truyền thông, kinh tế thương hiệu, kinh tế văn hóa. Vận dụng rất nhuần nhuyễn giữa mối quan hệ Nhà nước – thị trường, quan hệ giữa các giá trị, làm mới sức sống của văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, bối cảnh mới, thời đại mới”.

Tin, Ảnh: Trang Khánh

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết