Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Khúc tráng ca hào hùng của quân và dân Thủ đô

Ngày phát hành: 04/10/2024 Lượt xem 202

 

Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, không chỉ là trung tâm chính trị và văn hóa của Việt Nam mà còn là chứng nhân cho những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong đó, hai trận chiến đấu lịch sử in đậm trong ký ức Thủ đô chính là 60 ngày đêm cùng toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-17/2/1947) và 12 ngày đêm chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972). Hai sự kiện này không chỉ là dấu son lịch sử, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội.



 

“60 ngày đêm khói lửa” - khúc tráng ca của quân dân Thủ đô

 
Mùa thu năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).


Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên nhẫn thương thuyết để ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6/3 và tạm ước 14/9 trong năm 1946. Nhưng kẻ thù lại phản bội, trắng trợn gây hấn Việt Nam tại Nam Bộ rồi xé bỏ hai hiệp định nói trên bằng cách nổ súng tấn công Thủ đô Hà Nội vào đêm 19/12/1946.


Ngay trong đêm 19/12 đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi cả nước kháng chiến, thúc giục toàn dân đứng lên cứu nước: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. (1)


Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu là cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội. 60 ngày đêm chiến đấu (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) trong lòng Hà Nội là bản hùng ca mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quả cảm đã bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô thân yêu với lực lượng, vũ khí và trang bị rất chênh lệch so với kẻ thù.


Tuy có những bất lợi, nhưng do đã được dự báo trước, quân và dân Thủ đô đã chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho cuộc chiến đấu. Các khu phố và liên khu phố đều thành lập các đội làm công tác cứu thương, tiếp tế, tình báo, giao thông, tản cư, địch vận, các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí, quân cụ... Các đơn vị tự vệ có sự giúp sức của thanh niên các địa phương, đã bí mật đào đắp công sự chiến đấu, đào giao thông hào, tạo chướng ngại vật, hình thành các chiến lũy ở các cửa ô và trên đường phố để ngăn cản cơ giới địch; đục lỗ bắn, đục tường thông giữa các nhà để cơ động chiến đấu. Nhiều gia đình đã ủng hộ toàn bộ đồ quý trong nhà như: Sập gụ, tủ chè, trường kỷ... để xây dựng chiến lũy… Các chiến sĩ Vệ quốc quân, Quyết tử quân, dân quân tự vệ đã làm lễ tuyên thệ với lời thề: “Sống chết với Thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Đúng 20 giờ 30 ngày 19/12, nhà máy điện Yên Phụ ngừng hoạt động, đèn trong thành phố đồng loạt vụt tắt. Ðó là hiệu lệnh mở đầu cuộc chiến đấu của quân, dân Hà Nội. Ngay sau hiệu lệnh phát ra, từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, pháo binh ta bắn vào những nơi giặc Pháp đóng quân trong thành Hoàng Diệu, cùng một lúc các đơn vị phối thuộc của công an, tự vệ đồng loạt tấn công các vị trí địch đóng quân trong thành phố. Tất cả mọi người không phân biệt già, trẻ, gái, trai, học sinh, thầy giáo, trí thức, văn nghệ sĩ, ông chủ, người làm công... ai ai cũng hăng hái tham gia kháng chiến bảo vệ Thủ đô.


Trong 60 ngày đêm, quân và dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu giành giật với địch từng mái nhà, góc phố, nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử như: Trận Bắc Bộ Phủ (đêm 19, ngày 20/12/1946), trận nhà Sô/va (ngày 6/2/1947), trận chợ Đồng Xuân (ngày 14/2/1947)... Tổng cộng trong hai tháng, quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt trên 2.000 tên địch, phá hủy 53 xe quân sự trong đó có 22 xe tăng và xe thiết giáp, bắn rơi 7 máy bay, bắn cháy 2 ca nô… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, đánh bại âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não, đánh chiếm, làm chủ thành phố trong 24 giờ của thực dân Pháp. Ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô sau khi dũng cảm kiên cường bảo vệ Thủ đô đã rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng.

 


Thắng lợi tại mặt trận Hà Nội có tác dụng quan trọng cổ vũ tinh thần, khí thế quân và dân các chiến trường toàn quốc và tạo điều kiện thuận lợi để cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp một cách chủ động. Đây cũng chính là thắng lợi đầu tiên, mở đầu cho các thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta sau này.


Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm đã một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hào khí Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách, tâm hồn người Hà Nội: thanh lịch, hào hoa, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập, tự do của dân tộc; tiêu biểu cho truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận” với tinh thần “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”.


Hình ảnh những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sĩ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; qua đó, góp phần làm bùng cháy lên ngọn lửa yêu nước trên toàn quốc, tạo nên sức mạnh to lớn để “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

 
Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," đánh bại thực dân Pháp xâm lược, chấm dứt gần một thế kỷ chịu sự đô hộ, Việt Nam lại tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. (2)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các chiến sỹ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô ngày 25/9/1966. (Ảnh: TTXVN).


Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã chủ động chuẩn bị lực lượng, tìm cách đánh sáng tạo, phù hợp, xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên cả nước, vừa chiến đấu, vừa chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng đánh thắng không quân Mỹ khi chúng tấn công trên quy mô lớn, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bộ đội Radar, Bộ đội Tên lửa đã phát huy tinh thần thông minh, sáng tạo, tích cực phối hợp nghiên cứu xây dựng nên cách đánh B.52. Bộ đội Không quân tranh thủ ngày đêm huấn luyện bay, rèn luyện tinh thần và kỹ năng chiến đấu, thực hành thành thạo chiến thuật “bí mật tiếp cận, tấn công bất ngờ, thoát ly thật nhanh” nhằm tiêu diệt các loại máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay chỉ huy, dẫn đường, gây nhiễu... Bộ đội Pháo cao xạ phối hợp với dân quân, tự vệ phòng không trên cả nước huấn luyện, sử dụng thành thạo đa dạng các loại súng, pháo phòng không, kể cả súng bộ binh, tinh thông chiến thuật... Các đơn vị đã kịp thời đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm về cách đánh và phòng tránh B.52 hiệu quả nhất để phổ biến cho toàn quân, toàn dân nhằm giảm tối đa tổn thất.

 


Đúng như Bác tiên đoán, ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B.52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Ngày 18/12/1972, nhiều tốp máy bay B.52 liên tiếp dội bom xuống các khu vực: sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm… Cuộc chiến đấu ác liệt của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội đã mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không” lịch sử.


Liên tiếp các ngày sau đó, đế quốc Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay chiến lược B.52, cùng nhiều lượt máy bay chiến thuật, máy bay tàng hình… ném bom, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành, như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà máy cao su Sao Vàng, ga Hàng Cỏ, Sở công an, Nhà máy điện Yên Phụ, Bộ Giao thông… Trong cái rét như cắt da cắt thịt, quân dân Thủ đô đã anh dũng, hiên ngang đánh trả quyết liệt. Các trận địa tên lửa, pháo phòng không với các đơn vị dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi và tiêu diệt được nhiều máy địch.


Với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã cùng quân dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Kết thúc 12 ngày đêm khói lửa, ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại trong đó có 34 máy bay B.52, đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ - đưa Hà Nội về thời kỳ “đồ đá”, viết nên bản tráng ca bất tử gây chấn động thế giới.


Để làm nên chiến thắng đó, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng còn có sức mạnh ý chí quyết chiến, quyết thắng, sự xả thân chiến đấu cho hòa bình, độc lập của Nhân dân Việt Nam. Trong đó, góp phần không nhỏ để giữ bầu trời Hà Nội trong những ngày đêm khốc liệt ấy là những trận địa lửa của quân và dân Hà Nội.

 


Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí kiên cường, của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Với chiến thắng lịch sử này, Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

 

Hai trận chiến lịch sử - 60 ngày đêm kháng chiến chống thực dân Pháp và 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" - đã khắc sâu vào ký ức người Hà Nội và toàn dân tộc Việt Nam. Chúng là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của sự đoàn kết, bản lĩnh kiên cường và tinh thần yêu nước bất diệt. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào và nhắc nhở về những giá trị vững bền mà ông cha ta đã để lại. Đó cũng là động lực để thế hệ hôm nay tiếp tục xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thành thành phố hiện đại, giàu mạnh, xứng đáng với tầm vóc của một trung tâm văn hóa và lịch sử của dân tộc./.


Theo TTXVN


(1): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534
(2): Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết