Thứ Năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024

Trao đổi lý luận và thực tiễn triển khai đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Ấn Độ

Ngày phát hành: 28/08/2024 Lượt xem 162


Ngày 28/8/2024 tại Trụ sở Ban Đối ngoại Trung ương, đồng chí Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đã chủ trì tiếp, làm việc với Đoàn công tác của Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) do đồng chí Doraisamy Raja, Tổng Bí thư làm Trưởng đoàn.

 

 

Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ bày tỏ vui mừng, ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội nổi bật của Việt Nam qua gần 40 năm Đổi mới, đặc biệt là thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; đánh giá cao vị thế, vai trò ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…; nhấn mạnh những bài học thành công của Việt Nam là nguồn cảm hứng to lớn cho phong trào cộng sản thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Ấn Độ. Đoàn rất coi trọng chương trình làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương để học hỏi, nghiên cứu từ kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

 

Đồng chí Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Thành bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác giữa hai đảng, hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawajarlal Nehru đặt nền móng và dày công vun đắp đang phát triển ngày càng toàn diện, bền chặt, thực chất. Hai nước luôn là những người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung son sắt, cùng sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài lịch sử, hiện tại và trong tương lai.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thông tin trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác lý luận và tổng kết thực tiễn. Nhờ thường xuyên tổng kết thực tiễn mà đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn phù hợp với thực tiễn, được kiểm chứng bằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử thời gian qua.

 

Việt Nam đã vươn mình trở thành điểm sáng của thế giới về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo…; vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Những thành tựu đó là những minh chứng rõ nét cho tính đúng đắn của đường lối đổi mới phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

Từ một nước bị chiến tranh tàn phá, đến nay, Việt Nam đứng thứ 35 thế giới về quy mô kinh tế với GDP 436 tỷ USD; là nền kinh tế năng động trong ASEAN với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần gấp đôi so với quy mô GDP; nằm trong top 20 thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu. Đến tháng 8/2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc); có 06 nước Đối tác chiến lược toàn diện (trong đó cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc), 12 nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện với các nước phát triển nhất thế giới (G20). Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài…

 

 Việt Nam đã hai lần hoàn thành xuất sắc vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng…Việt Nam đã cử hơn 800 lượt quân nhân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các khu vực có chiến tranh hay xung đột. Đồng thời, tích cực gia nhập các cơ chế hợp tác cứu hộ, cứu nạn quốc tế trên cả lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành nhiệm vụ Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. Hoạt động huy động sự tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành từ trung ương đến các địa phương, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân trong cả nước vào quá trình tổng kết; đồng thời cũng tham khảo cả bài học quốc tế. Mục tiêu là xác định những việc đã làm được, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; tổng kết những bài học thành công, không thành công, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả cần tiếp tục phát huy, nhân rộng… Báo cáo tổng kết và chắt lọc kết quả tổng kết là nguồn vào quan trọng để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Từ thực tiễn cách mạng của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nghiên cứu, tìm tòi , hoàn thiện hệ thống lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 8 đặc trưng, 8 phương hướng, ba trụ cột và 10 mối quan hệ lớn.

 

Đoàn công tác của Đảng Cộng sản Ấn Độ đánh giá cao các nội dung trao đổi tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương, mong muốn hai Đảng sẽ có thêm các hoạt động trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong thời gian tới./

 

Lục Tuấn

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết