Đặt mục tiêu tài chính là bước đầu tiên để chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp hơn song ở Hàn Quốc có 3/10 người được hỏi nói rằng đó là một “điều xa xỉ”. Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy có tới 13% người Hàn Quốc không thể tiết kiệm được tiền do chi tiêu của họ vượt quá thu nhập.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn Báo cáo tiêu dùng tài chính năm 2022 dựa trên khảo sát 5.000 người trưởng thành trên toàn quốc do Viện Tài chính Hana (HIF) thực hiện và công bố ngày 29/12 cho thấy 86% trong số 4,89 triệu won (3.800 USD) - mức thu nhập trung bình hằng tháng của một hộ gia đình, đã được người dân nước này chi tiêu vào các chi phí cố định (bao gồm bảo hiểm và thanh toán vay thế chấp). Do chỉ còn lại ít tiền sau khi trừ đi các khoản chi tiêu cố định này, nên cứ 10 người được hỏi, có 3 người không có mục tiêu tài chính: 17,9% nói rằng việc duy trì cuộc sống đơn giản là gánh nặng đối với họ, trong khi 13,4% cho biết không tiết kiệm được tiền. Tỷ lệ này đặc biệt cao trong “Thế hệ MZ” (sinh từ 1981 đến 2010). Điều này cho thấy những người trẻ tuổi không đủ khả năng để chuẩn bị cho tương lai.
Cuộc khảo sát của HIF cũng cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc thì có 8 người đã đầu tư hoặc cân nhắc đầu tư vào tiền điện tử, phản ánh sự bùng nổ đầu tư trong vài năm qua. Mặc dù họ chuyển sang đầu tư tiền điện tử với kỳ vọng thu được lợi nhuận đầu tư cao, song cuối cùng đã dừng lại do thua lỗ phát sinh. Cuộc khảo sát cho thấy 71,1% nhà đầu tư chịu khoản lỗ đầu tư hơn 10%, cao gấp 2,7 lần so với những người thu được lợi nhuận đầu tư hơn 10%. Tuy nhiên, chỉ có 4,3% các nhà đầu tư tiền điện tử nói rằng họ có nhiều kiến thức về tiền điện tử, phản ánh rằng hầu hết các khoản đầu tư của họ không khác nhiều so với những trò cá cược đơn giản./.
Theo TTXVN