Thứ Tư, ngày 15 tháng 05 năm 2024

27 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện

Ngày phát hành: 12/07/2022 Lượt xem 533

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam_

Ảnh: TTXVN

 

Ngày 11/7/1995 (tức ngày 12/7/1995, theo giờ Việt Nam) đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ khi lãnh đạo hai nước lần lượt tuyên bố trước toàn thế giới bình thường hóa quan hệ ngoại giao hoàn toàn. Vượt qua rào cản, nhiều khác biệt, 27 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xây dựng được lòng tin, trở thành Đối tác toàn diện của nhau. Khuôn khổ hợp tác đã phát triển sâu và rộng, không chỉ ở bình diện song phương mà còn cả hợp tác đa phương.


 Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai
       Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một mối quan hệ vừa khác biệt vừa đặc biệt so với mối quan hệ giữa các quốc gia khác, bởi hai nước đã phải trải qua một cuộc chiến vô cùng tàn khốc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Gác lại được quá khứ đau thương để có thể bình thường hoá quan hệ là niềm vui của cả hai dân tộc. Nhưng để đi đến được ngày đó là một chặng đường dài với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước.
          Khó khăn lớn nhất là chiến tranh đã kết thúc nhưng cuộc chiến khốc liệt ấy đã để lại sự thù địch trong nhiều năm sau đó, khiến hai bên không hiểu hết nhau, dẫn đến những nghi kỵ. Tiếp theo là câu chuyện giải quyết hậu quả chiến tranh, câu chuyện những vết hằn chiến tranh trong lòng nước Mỹ. Với Việt Nam cũng vậy, đau thương còn kéo dài trong biết bao gia đình có những người con đã ngã xuống, hay nhiễm phải thứ chất độc có thể truyền đến đời thứ ba, thứ tư - chất độc da cam…
          Trong những năm dài đó, với nỗ lực từ cả hai phía, hàng loạt các cuộc đàm phán, tiếp xúc đã diễn ra, những cầu nối được thiết lập… Và những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng bằng sự kiện ngày 3/2/1994, khi Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam.
          Hơn một năm sau đó, vào đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), kênh truyền hình BBC đã phát chương trình đặc biệt truyền đi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong bản đó có đoạn: Giờ đây chúng ta có thể tiến tới một cơ sở chung. Bất kể những gì đã chia rẽ chúng ta trước đây, chúng ta hãy xếp vào quá khứ. Hãy để cho giây phút này, theo từ của Kinh thánh, là một thời điểm để hàn gắn và thời điểm để kiến tạo.
          Sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam, tại Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoan nghênh quyết định ngày 11/7/1995 của Tổng thống Bill Clinton và sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, cùng có lợi và phù hợp với nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế.
         Đó là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước Việt nam và Hoa Kỳ.
          Có thể nói, 27 năm qua, với tầm nhìn và quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xác lập quan hệ đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Những nguyên tắc này đã và đang được thể hiện xuyên suốt trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

 


Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Hoa Kỳ (Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ)_Ảnh: TTXVN


 Nền tảng vững chắc cho mối quan hệ bền chặt hơn nữa trong tương lai
        Dường như chậm mà chắc, quan hệ Việt- Hoa Kỳ mỗi ngày qua đi lại có thêm những dấu mốc mới. Cùng nhau gác lại quá khứ, hướng đến tương lai để thiết lập những mốc son trong trang sử mới: tháng 7/2013, Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Đà phát triển của mối quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đã được tăng cường nhờ các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên, đó là: chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng năm 2015; chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2016; chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Washington D.C. vào năm 2017; các chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Hà Nội vào năm 2017 và 2019; chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Hà Nội vào năm 2020 và gần đây là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ vào tháng 5 năm 2022.
Qua mỗi chuyến thăm của cả lãnh đạo hai bên đều để lại những dấu mốc mới, mở ra những giai đoạn mới cho quan hệ hai nước.
       Cùng với quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, trong suốt 27 năm qua, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là một mảng sáng nổi bật trong mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ với sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành trọng tâm và là động lực quan trọng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong suốt 27 năm qua.
Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019; 90,8 tỷ USD năm 2020 và hơn 111,56 tỷ USD năm 2021. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ là tính bổ trợ cho nhau.
Cụ thể, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.
Về đầu tư, Việt Nam hiện là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng của Hoa Kỳ. Tính đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam, như: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang... Mới đây, ngày 29/3/2022, tập đoàn Vinfast cũng đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina (Hoa Kỳ).
Trải qua 27 năm bình thường hóa quan hệ và 9 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, những thành quả mà hai nước đạt được đã chỉ ra rằng: hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là xu hướng tất yếu và hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, thể hiện nỗ lực, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo hai nước./.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết