Ông Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu
Theo phóng viên TTXVN tại London, sau khi báo cáo mới được Liên hợp quốc (LHQ) công bố, trong đó cảnh báo rằng mục tiêu kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp có thể sẽ sớm bị phá vỡ, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma đã kêu gọi tất cả các nước cần có những bước đi khẩn cấp nhằm cắt giảm lượng khí thải toàn cầu.
Thủ tướng Anh, nước chủ nhà COP26, cho rằng báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ là lời cảnh tỉnh và chỉ ra rõ ràng rằng thập kỷ tới sẽ là thời điểm quan trọng để đảm bảo tương lai cho Trái Đất. Để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất, thế giới cần chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, bảo vệ thiên nhiên và cung cấp tài chính chống biến đổi khí hậu cho các quốc gia ở tuyến đầu.
Ông Johnson cũng cho biết trong hai thập kỷ qua, Vương quốc Anh đang tiến nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải từ phát triển kinh tế. Ông bày tỏ hy vọng báo cáo của IPCC cảnh tỉnh toàn thế giới cần hành động ngay bây giờ, trước khi diễn ra các cuộc họp về biến đổi khí hậu tại COP26.
Trong khi đó, ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26, cho rằng các báo cáo khoa học đã phản ánh rõ các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu trên khắp thế giới và nếu các nước không hành động ngay, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những tác động tồi tệ nhất ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của người dân và môi trường sống tự nhiên. Ông cũng cho biết thông điệp đối với mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và mọi thành phần của xã hội, đó là “thập kỷ sắp tới có tính quyết định, hãy thực hiện theo khoa học và trách nhiệm của bạn để giữ cho mục tiêu 1,5 độ C tồn tại”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng báo cáo chính là hồi chuông báo tử cho ngành công nghiệp than đá, dầu mỏ và khí đốt. Theo ông, nhiên liệu hóa thạch đang hủy hoại Hành tinh Xanh.
Ông Frans Timmermans, quan chức phụ trách vấn đề khí hậu của Liên minh châu Âu, nhận định báo cáo trên cho thấy vẫn còn chưa quá muộn để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Báo cáo của IPCC ngày 9/8 cảnh báo các hoạt động của con người đang gây hại cho Trái Đất ở tốc độ báo động, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến mọi khu vực của thế giới và nếu con người không hành động khẩn cấp để hạn chế sự ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng, mưa lớn, hạn hán, hay hiện tượng tan chảy băng ở Bắc Cực… sẽ gia tăng, trong khi các bể chứa khí carbon sẽ trở nên ít hiệu quả hơn trong việc hạn chế khí thải carbon dioxide trong khí quyển.
IPCC nhấn mạnh rằng việc cắt giảm lượng khí thải toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành đông ngay tức thì để đưa mức khí thải ròng về bằng 0 giữa thế kỷ này. Điều này sẽ mang lại cơ hội tốt để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C và giúp tránh những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu./.
Đình Thư - Lan Phương