Ngày 19/7, Chính phủ Anh khẳng định nước này sẽ không tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi mà chỉ tiêm cho những em có bệnh lý đặc biệt và dễ bị tổn thương. Lý do là các chuyên gia y tế vẫn đang xem xét các tác dụng phụ tiềm ẩn của chế phẩm này đối với trẻ em.
Trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm Anh đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng Nadhim Zahawi cho biết thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi bị khuyết tật nặng về thần kinh, Hội chứng Down, suy giảm miễn dịch và thiểu năng trí tuệ sẽ nằm trong diện được tiêm chủng. Quyết định này dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng và miễn dịch (JCVI).
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết ông đã chấp thuận các khuyến nghị của JCVI và đã chỉ đạo Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) xúc tiến việc tiêm chủng cho những người đủ điều kiện. JCVI sẽ tiếp tục xem xét các dữ liệu mới và cân nhắc về khuyến nghị tiêm cho người dưới 18 tuổi không có bệnh lý nền trong tương lai. Những người sắp bước sang tuổi 18 trong vòng 3 tháng tới cũng sẽ được tiêm phòng.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo chính sách mới, theo đó những người đến các hộp đêm và những địa điểm tập trung đông người khác sẽ phải có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, thay vì chỉ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Chính sách này sẽ được thực thi từ cuối tháng 9 tới. Thủ tướng Johnson cũng nhấn mạnh khoảng 35% dân số từ 18 đến 30 tuổi ở Anh vẫn chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, cảnh báo rằng "một số lĩnh vực quan trọng trong đời sống có thể ngày càng phụ thuộc vào việc tiêm chủng".
Tới nay, gần 70% dân số trưởng thành ở Anh đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, Anh đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh. Chiến dịch tiêm chủng gần đây có dấu hiệu chững lại khi những người trẻ tuổi có tâm lý không muốn tiêm vaccine.
* Trong khi đó, Chính phủ Pháp đã thông qua một dự thảo luật nhằm thúc đẩy việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn chính phủ Gabriel Attal cho biết dự luật trên, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào cuối tuần này, đã được thông qua trong cuộc họp nội các ngày 19/7. Văn kiện này sẽ mở rộng hệ thống "thẻ thông hành y tế", theo đó yêu cầu người dân xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi họ đến các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar hoặc trung tâm mua sắm. Chính phủ cho biết dự luật này nhằm mục đích khuyến khích mọi người tiêm chủng. Kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra những tuyên bố cứng rắn về việc tiêm vaccine hôm 12/7, đã có hơn 3 triệu người đăng ký tiêm chủng.
Trước đó, Tổng thống Macron đã lên sóng truyền hình Pháp để gửi thông điệp tới toàn thể người dân về nguy cơ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, cũng như những biện pháp mà nước này sẽ áp dụng để đối phó với làn sóng dịch mới, trong đó chiến dịch tiêm chủng mùa Hè sẽ được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, bắt đầu từ tháng 8, chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm PCR âm tính sẽ là giấy thông hành bắt buộc nếu người dân muốn đến các quán cà phê, nhà hàng, vào các trung tâm mua sắm, cơ sở y tế, lên máy bay, tàu hỏa hay xe khách đường dài. Những người làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm, các nhân viên y tế nếu muốn tiếp tục làm việc sẽ phải tiêm chủng trước ngày 15/9. Học sinh, sinh viên khi vào năm học mới sẽ được tiêm phòng theo chương trình vaccine học đường. Việc làm xét nghiệm PCR sẽ không còn là miễn phí bắt đầu từ mùa Thu tới, trong khi tiêm vaccine phòng chống COVID-19 vẫn được nhà nước chi trả toàn bộ. Ông Macron cho biết việc tiêm vaccine phòng COVID-19 không bắt buộc, nhưng những người không tiêm sẽ phải chịu một số biện pháp hạn chế./.
Phương Oanh (TTXVN)