Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (từ ngày 9 đến 15/11/2020), tại Hà Nội, được kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới và tạo nên một sức bật mới cho sự phát triển thương mại đối với các nước thành viên nói riêng và các nước trong khu vực nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế
Toàn diện Khu vực RCEP. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
* Nền tảng khôi phục kinh tế trong khu vực và thế giới
Được ASEAN khởi xướng vào tháng 11/2012, RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Mục đích của Hiệp định là thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
Sau 28 vòng đàm phán và 16 cuộc họp cấp Bộ trưởng, đến tháng 11/2019, 15 nước thành viên các nước đã hoàn tất toàn bộ tiến trình đàm phán trên văn bản, cũng như cơ bản hoàn tất toàn bộ các cuộc đàm phán về vấn đề tiếp cận thị trường; đồng thời đặt mục tiêu sẽ ký kết hiệp định vào năm 2020. Riêng Ấn Độ, trong cuộc đàm phán phút chót ngày 4/11/2019, đã rút khỏi RCEP do các vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là liên quan tới thuế nông nghiệp. Sau đó, Ấn Độ tuyên bố không tham gia hiệp định trong năm 2020.
Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý lời văn để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt trong nhiều lĩnh vực để xử lý những vấn đề vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
Khi Hiệp định RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Con số này lớn hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào cuối tháng 12-2018 (khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5 % GDP toàn cầu).
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.
Việc ký được RCEP được đánh giá là động lực quan trọng cho khu vực và trên toàn thế giới trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. RCEP cũng sẽ trở thành nền tảng cơ bản để các quốc gia hợp tác chung tay ứng phó và đẩy lùi đại dịch COVID-19 cũng như khôi phục kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
* Cơ hội cho Việt Nam
Theo Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật, như: viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.
Các chuyên gia cũng nhận định, ASEAN là thị trường không khó tính như các nước phát triển khác tại Hoa Kỳ, EU hay Đông Bắc Á. Các nước ASEAN có thể nhập khẩu đa dạng các nhóm mặt hàng, phù hợp với sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành cửa ngõ kết nối để Liên minh châu Âu (EU) đến với ASEAN thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa đi vào thực thi đầu tháng 8/2020. Với dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, ASEAN được xem là thị trường đặc biệt quan trọng của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cho các sản phẩm của Việt Nam thử sức cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù có nhiều ưu đãi, lợi thế về địa lý nhưng ASEAN cũng mới chỉ được xem là thị trường “cơ hội”, “tiềm năng”, vì hiện tại các doanh nghiệp Việt vẫn chưa đẩy mạnh khai thác nội khối để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong quan hệ thương mại với ASEAN, Việt Nam luôn nhập siêu với kim ngạch nhập khẩu chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại. Do đó, cần tiến tới cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu trong tương lai gần.
Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, xuất khẩu của Việt Nam sẽ không có nhiều biến động khi tham gia RCEP giống như Hiệp định CPTPP. Thay vào đó, lợi thế lớn nhất của RCEP đối với Việt Nam là sự tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của một số hàng hóa mà Việt Nam đang làm.
Trong đó, cơ hội có thể nhìn thấy rõ nhất là ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, các nước đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) là những thị trường rất lớn cho cả xuất và nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Do đó, vào RCEP các doanh nghiệp không chỉ được mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các ưu đãi, xuất xứ nguồn gốc mà còn giảm thiểu nhiều rủi ro, tăng sức cạnh tranh...
Bên cạnh ngành gỗ, sản phẩm dệt may cũng được đánh giá là có nhiều cơ hội từ RCEP khi được mở rộng cửa để tiến vào một thị trường lớn bên ngoài ASEAN với hai lợi thế nổi bật là tiết kiệm chi phí vận chuyển và nguồn nguyên phụ liệu ổn định. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối (vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc) thì khi tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại.
Ngoài ra, các ngành chế biến nông sản, thủy sản cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP nhờ có nhiều nội dung thỏa thuận, cắt giảm, xóa bỏ thuế quan. Mặt khác, RCEP cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ các nước thành viên. Doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư-kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…
* Biến cơ hội thành hiện thực
Bên cạnh những cơ hội, khi RCEP được thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, điển hình là sức ép cạnh tranh từ việc mở của thị trường của RCEP. Hiện nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc đáng kể về đầu vào nhập khẩu để phục vụ sản xuất, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế.
Một vấn đề quan trọng mà các chuyên gia kinh tế lo lắng đó là sự dịch chuyển nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ khi chúng ta tham gia Hiệp định. Nếu như doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ năng lực, không tạo động lực và cơ hội làm việc tốt cho người lao động thì sẽ khó có thể giữ chân lao động chất lượng. Khi ấy việc duy trì cán cân cạnh tranh so với các doanh nghiệp ngoại lại càng khó và doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để có thể chen chân vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu.
Để tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Phúc Nam Phó Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, các doanh nghiệp cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Hơn nữa, trong quá trình xuất khẩu, cần chủ động tìm hiểu và tự giải quyết những vấn đề phát sinh; kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng và các thương vụ Việt Nam tại thị trường để được hỗ trợ, tư vấn. Mặt khác, doanh nghiệp phải liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn./.
Theo TTXVN