Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Australia kiên quyết yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ thông tin độc hại

Ngày phát hành: 24/12/2020 Lượt xem 1116


Theo dự luật vừa được Chính phủ Australia đề xuất, các nền tảng truyền thông xã hội sẽ buộc phải gỡ bỏ các thông tin có nội dung "cực kỳ độc hại".
Ngày 23/12, Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher thông báo, sau khi Quốc hội quay lại làm việc vào năm 2021, chính phủ nước này sẽ ban hành luật đầu tiên trên thế giới chống lạm dụng người trưởng thành trên mạng. Luật này sẽ cho phép Ủy viên về an toàn trên mạng Internet của Australia ra lệnh gỡ bỏ các nội dung độc hại trên các nền tảng xã hội, trong đó có Facebook và Twitter, trong vòng 24 giờ. 
Theo ông Fletcher, cùng với những lợi ích về kinh tế, xã hội và giáo dục, Internet cũng đã gây ra một số nguy cơ. Do đó, Ủy viên về an toàn trên mạng Internet sẽ có quyền tiết lộ danh tính của những người đứng sau các tài khoản giả mạo hoặc ẩn danh, cũng như chặn quyền tiếp cận các nền tảng bỏ qua "một cách có hệ thống" yêu cầu gỡ bỏ thông tin.
Tháng 4 vừa qua, Ủy viên về an toàn trên mạng Internet của Australia, bà Julie Inman Grant, cảnh báo tình trạng bắt nạt trực tuyến và lạm dụng dựa trên hình ảnh đã gia tăng đáng kể tại nước này trong thời gian đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thống kê cho thấy riêng trong tháng 3, số vụ bắt nạt trực tuyến đã tăng tới 21%, lạm dụng người trưởng thành trên mạng tăng 48%, lạm dụng dựa trên hình ảnh tăng 86%. Lạm dụng trẻ em trực tuyến tăng đáng kể. 
Ngày 9/12 vừa qua, Chính phủ Australia cũng vừa đệ trình lên quốc hội nước này Bộ quy tắc thương lượng bắt buộc về nền tảng kỹ thuật số và báo chí truyền thông, đồng thời công bố chi tiết về kế hoạch đưa Australia trở thành quốc gia đầu tiên buộc các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho các doanh nghiệp truyền thông về nội dung báo chí. Dự thảo bộ quy tắc trên của Australia được đưa ra trong bối cảnh các phương tiện truyền thông trên thế giới đang ngày càng chịu sức ép trong nền kinh tế số hóa với doanh thu quảng cáo bị áp đảo bởi các ông lớn công nghệ như Facebook hay Google. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trong ngành truyền thông càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Riêng ở Australia trong những tháng gần đây đã có hàng chục tờ báo đóng cửa và hàng trăm nhà báo mất việc./.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết