Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, tại Mỹ liên tiếp xảy ra các vụ xả súng đẫm máu khiến hàng chục người thương vong.
hương vong. Những vụ xả súng đẫm máu một lần nữa cho thấy tình trạng bạo lực súng đạn đang thực sự là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ.
Lực lượng an ninh Mỹ được triển khai quanh khu vực nổ súng ở El Paso trưa 3.8. Ảnh: AFP
Liên tiếp các vụ xả súng
Theo nhật báo Chicago Sun-Times, hai vụ xả súng liên tiếp đã xảy ra sáng 4.8 (giờ địa phương, tức chiều cùng ngày giờ Việt Nam) tại Chicago, bang Illinois, làm 9 người bị thương. Vụ đầu tiên xảy ra tại Công viên Douglas, khu Tây Chicago, làm 7 người bị thương. Theo cảnh sát, nghi phạm ngồi trong một chiếc Camaro màu đen đã xả súng vào các nạn nhân khi họ đang đứng trong công viên. Trong số nạn nhân có một thanh niên 21 tuổi bị thương rất nặng. Vài giờ sau đó, 2 người phụ nữ cũng bị thương trong một vụ xả súng khác xảy ra cách hiện trường vụ xả súng thứ nhất chỉ vài tòa nhà. Cảnh sát Mỹ đã mở cuộc điều tra 2 vụ xả súng này.
Các vụ xả súng trên xảy ra cùng ngày với vụ xả súng tại thành phố Dayton thuộc bang Ohio, làm 10 người thiệt mạng và 16 người bị thương. Trước đó chưa đầy 24 giờ, một vụ xả súng đẫm máu tại một siêu thị Wal-Mart ở thành phố El Paso, thuộc bang Texas của Mỹ, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 26 người khác bị thương. Cảnh sát địa phương cho biết một đối tượng mang theo súng trường đã bất ngờ nã đạn vào những người mua hàng tại siêu thị. Vụ việc xảy ra vào thời điểm có khoảng 1.000-3.000 người đang mua sắm. Nghi can hiện đã bị bắt giữ, được xác định là một thanh niên da trắng 21 tuổi, tên là Patrick Crusius, người Texas. Nghi can này đã bị cáo buộc tội giết người và tòa có thể tuyên án tử hình đối với y.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Mỹ đang điều tra động cơ khiến nghi phạm Crusius giết hại 20 người. Hiện vụ việc đang được xử lý theo hướng là một hành động tấn công khủng bố trong nước.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho rằng vụ tấn công hôm 3.8 có thể là hành vi phạm tội vì động cơ thù hằn. Cảnh sát dẫn một "tuyên ngôn" được cho là của nghi phạm làm bằng chứng cho thấy vụ giết người xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc.
Crusius được cho là đã đăng lên mạng thông điệp lên án "sự xâm lược của người gốc Tây Ban Nha" tại bang Texas. Thành phố El Paso nằm ở biên giới với Mexico và có đa số là người gốc Mỹ Latinh sinh sống. Theo số liệu cập nhật, có tới 7 trong số 20 người thiệt mạng trong vụ xả súng trên là người Mexico.
Vụ xả súng ở El Paso là vụ gây thương vong nhiều thứ 8 trong lịch sử hiện đại Mỹ, sau vụ xả súng ở San Ysidro hồi năm 1984 khiến 21 người thiệt mạng.
Dư luận lên án mạnh mẽ
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án các vụ xả súng trên là "hành động hèn hạ" và "không có lý do nào có thể biện minh cho việc sát hại người vô tội". Trả lời phóng viên báo chí, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông đã thực hiện nhiều biện pháp hơn bất cứ chính quyền nào khác của Mỹ trong việc giải quyết tình trạng bạo lực súng đạn đang diễn ra tại Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có thể sẽ phải cần phải làm nhiều hơn nữa nhằm chấm dứt tình trạng này bởi nó đã diễn ra trong quá nhiều năm qua này. Tổng thống Trump đã ra lệnh treo cờ rủ trong 5 ngày để tưởng niệm các nạn nhân.
Về phía Mexico, phát biểu tại họp báo ngày 4.8, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết trưởng Công tố Mexico đang cân nhắc khởi kiện thủ phạm trong vụ xả súng hàng loạt tại một cửa hàng Walmart ở thành phố El Paso với cáo buộc tấn công khủng bố. Hành động pháp lý này có thể dẫn tới yêu cầu dẫn độ nghi can Crusius từ Mỹ sang Mexico. Tuy nhiên, ông không cho biết tòa án cấp nào của Mexico sẽ thụ lý vụ án trên. Ngoại trưởng Ebrard kêu gọi Mỹ đưa ra quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ chống các hành động phạm tội có động cơ hằn thù. Bộ Ngoại giao Mexico sẽ yêu cầu Mỹ cung cấp thông tin về việc bằng cách nào, hung thủ đã sở hữu vũ khí tấn công và liệu giới chức Mỹ có biết về việc nghi can mua súng hay không. Ông cho biết kiểm soát vũ khí là một vấn đề sống còn. Thực tế là nhiều người Mexico đã thiệt mạng trong vụ này, buộc giới chức Mexico phải có các hành động pháp lý phù hợp.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Jesus Seade đã mô tả vụ xả súng trên là "hành động bài ngoại man rợ" và kêu gọi chấm dứt những phát ngôn có thể dẫn tới những hành động như vậy.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc về vụ xả súng “kinh hoàng và tàn ác”, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng tại siêu thị Walmart ở thành phố El Paso, bang Texas, Mỹ. Trong thông báo đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Morrison viết: “Thật đáng buồn bởi bạo lực điên rồ tại El Paso đã cướp đi rất nhiều sinh mạng vô tội… Đây là một vụ tấn công kinh hoàng và tàn ác”. Trong khi đó, cựu Phó Thủ tướng Australia Tim Fischer cho rằng nước Mỹ cần phải xem xét lại vấn đề sở hữu súng đạn, sau hành động tàn bạo mới nhất vừa xảy ra.
Vấn nạn gây nhức nhối
Theo một tổ chức phi chính phủ theo dõi vấn nạn bạo lực súng đạn, từ đầu năm 2019 đến nay, tại Mỹ đã xảy ra 251 vụ xả súng. Chỉ riêng trong tháng 7 và đầu tháng 8, liên tiếp các vụ xả súng tại các thành phố lớn của Mỹ. Trong hai ngày 27-28, hai vụ xả súng đã xảy ra tại hai sự kiện văn hóa lễ hội của thành phố New York và Bắc California khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Trước đó, ngày 20.7, thành phố Chicago cũng đã phải trải qua ngày bạo lực nghiêm trọng khi có tới 4 vu xả súng cùng xảy ra từ nửa đêm tới sáng sớm khiến hai người thiệt mạng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, vào hai ngày 3 và 4.8, hai vụ xả súng đẫm máu đã xảy ra tại thành phố Dayton, bang Ohio và thành phố El Paso, bang Texas khiến ít nhất 29 người thiệt mạng. Và 3 vụ xả súng liên tiếp trong cuối tuần qua đã làm tổng cộng 30 người thiệt mạng và 51 người bị thương.
Các vụ xả súng trên đã một lần nữa làm "nóng" chính trường Mỹ khi các quan chức cấp cao của đảng Dân chủ lên tiếng kêu gọi siết chặt kiểm soát súng đạn.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định: "Thế là quá đủ... Quá nhiều gia đình trong quá nhiều cộng đồng đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng bạo lực súng đạn hằng ngày". Bà Pelosi chỉ trích phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện "liên tục không hành động" đối với việc thông qua luật kiểm soát súng đạn. Tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ được đưa ra sau khi các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, trong đó có cựu nghị sĩ bang Texas Beto O'Rourke, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng có những ý kiến tương tự. Cựu Phó Tổng thống Biden cam kết sẽ đối đầu với Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA - tổ chức vận động hành lang về quyền sở hữu súng đạn có ảnh hưởng nhất tại Mỹ) để kiềm chế sự lan rộng của bạo lực súng đạn. Phát biểu với báo giới, ông Biden nhấn mạnh "Đây là một căn bệnh, là điều vượt quá sức chịu đựng của chúng ta". Ông kêu gọi hành động để chấm dứt "bệnh dịch bạo lực súng đạn". Trong khi đó, thượng nghị sĩ Sanders lên án Thượng viện "không làm gì sau khi các thảm kịch xảy ra", đồng thời kêu gọi "cần thay đổi điều này". Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã kêu gọi Thượng viện thông qua dự luật an toàn súng đạn.
Mặc dù các quan chức cấp cao Mỹ đã kêu gọi các nhà lập pháp nước này thông qua luật kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, khả năng này khó trở thành hiện thực. Thực tế cho thấy, cứ sau mỗi vụ xả súng, các cuộc tranh luận về bạo lực súng đạn lại nổ ra trên toàn nước Mỹ, thậm chí một vài dự luật về vấn đề này cũng được đưa ra. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tất cả dường như lại bị chìm xuống. Chính vì vậy, mặc dù Mỹ là quốc gia có mức độ bạo lực súng đạn cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào, cho tới thời điểm này, Quốc hội Mỹ vẫn chưa triển khai được hành động đáng kể nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch "thảm khốc" tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai.
Đi tìm nguyên nhân khiến những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn ở Mỹ không mang lại kết quả, có lẽ phải hiểu được những số liệu thống kê về sở hữu súng và bạo lực súng đạn ở Mỹ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ. Tỉ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức. Một số liệu thống kê quan trọng khác cho thấy tính tới thời điểm này, Mỹ có tỉ lệ sở hữu súng tư nhân cao nhất thế giới. Năm 2018, tỷ lệ người dân Mỹ sở hữu súng là 121 khẩu/100 dân. Tỷ lệ sở hữu súng cao của Mỹ là lý do chính khiến Mỹ phải đối mặt với các vụ bạo lực súng nhiều hơn với số người thiệt mạng do súng nhiều hơn so với các nước phát triển khác. Để đối phó với vấn đề này, Mỹ sẽ không chỉ phải giảm khả năng tiếp cận súng của người dân, mà còn phải giảm số lượng súng trên cả nước.
Cũng có ý kiến cho rằng, các vụ xả súng sẽ ít xảy ra hơn nếu như có nhiều người sở hữu súng hơn vì giúp họ tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, một lần nữa, các số liệu cho thấy điều này không phản ánh đúng sự thật. Tỷ lệ sở hữu súng cao không làm giảm số người tử vong vì súng đạn mà ngược lại, làm gia tăng bạo lực súng đạn hơn là ngăn chặn nó xảy ra.
Theo các cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew, người Mỹ sở hữu khoảng 45% tất cả vũ khí tư nhân của thế giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa hầu hết người dân Mỹ đều sở hữu súng. Trên thực tế, quyền sở hữu súng tập trung ở một số ít dân số Mỹ.
Ngoài ra, còn có mối tương quan rất chặt chẽ giữa quyền sở hữu súng và bạo lực súng đạn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mối quan hệ nhân quả, đồng thời sở hữu súng chỉ tập trung ở một nhóm thiểu số những người đam mê, và đây chính là nhóm phản đối các hình thức kiểm soát súng và gây sức ép để các nhà lập pháp Mỹ không thông qua những biện pháp kiểm soát súng đạn.
Những vụ xả súng đẫm máu vừa qua một lần nữa cho thấy tình trạng bạo lực súng đạn đang thực là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ. Như vậy, nếu vẫn chưa đưa ra được một số biện pháp mạnh tay trong khi vẫn duy trì quyền sở hữu súng, điều này đồng nghĩa với việc những vụ xả súng tiếp theo vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới./.
THANH LÂM (TTXVN)