Thứ Năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024

Bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35% dân số, vượt mục tiêu Nghị quyết 01 của Chính phủ

Ngày phát hành: 17/01/2024 Lượt xem 133
Toàn cảnh Hội nghị

Sáng 17/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự Hội nghị.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2023, bối cảnh kinh tế có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai quyết liệt, toàn diện các mặt công tác với đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp và đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu trọng yếu trên lĩnh vực an sinh xã hội. 

Đáng chú ý là ngành Bảo hiểm xã hội đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, đặc biệt là diện bao phủ về bảo hiểm y tế đạt 93,35% dân số, vượt 0,15% so với yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Đây là một chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt mục tiêu Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. 

Công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được triển khai với nhiều giải pháp, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, tối ưu hóa các quỹ, góp phần hỗ trợ ổn định cuộc sống người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Công tác quản lý tài chính được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả, phục vụ kịp thời việc chi trả cho người tham gia và thụ hưởng gắn với nhiệm vụ thu chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Năm 2023, tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đạt  trên 472,3 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 439 nghìn tỷ đồng. 

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, với phương châm “hoàn thành chỉ tiêu độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; giảm số tiền chậm đóng vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là trách nhiệm của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam với nước, với dân”, năm 2023, chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tăng trưởng bền vững; vượt số thu và số tiền chậm đóng giảm sâu nhất từ trước đến nay. 

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,259 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01), trong đó khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương). Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,58% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,693 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01). Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,307 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022.

Số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng chiếm 2,69% số phải thu, là số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ 2016 đến nay, giảm từ 6% năm 2016 xuống còn 2,69%.  

Công tác truyền thông chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được coi trọng, đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp, triển khai đồng bộ “từ sớm, từ xa”; kết hợp truyền thông trực tiếp và truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông nhóm nhỏ, qua các ứng dụng số nhằm mang lại hiệu quả cao để “dân biết, dân hiểu, dân tin và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả trong việc thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đảm bảo giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng với thủ tục đơn giản, tiện lợi, tăng cường kiểm soát chống trục lợi quỹ; góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động. Năm 2023 đã giải quyết cho 95.670 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trong đó có 75.230 người hưởng lương hưu, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2022); hơn 1,3 triệu người hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (trong đó có hơn 1,1 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 23,73% so với cùng kỳ năm 2022); hơn 8,8 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. 

Ngành phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1,05 triệu người (tăng 10,92% so với cùng kỳ năm 2022), 19.185 người hưởng hỗ trợ học nghề.

Tham luận tại Hội nghị, các địa phương đều khẳng định, trong những thành tựu chung về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2023, có sự đóng góp quan trọng của ngành Bảo hiểm xã hội. Các địa phương đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cấp tỉnh đến cấp xã do Chủ tịch UBND làm trưởng ban, cơ quan Bảo hiểm xã hội là phó trưởng ban thực hiện và các ngành, các cấp tham gia, tạo sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế./.
 
Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết