Thứ Ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024

Biến đổi khí hậu: Các tập đoàn trên thế giới có nguy cơ đối mặt với ngày càng nhiều vụ kiện

Ngày phát hành: 28/05/2021 Lượt xem 963

 

 Báo cáo của công ty tư vấn chiến lược và nguy cơ kinh doanh Verisk Maplecroft công bố ngày 28/5 cho thấy các công ty gây ô nhiễm và các nhà đầu tư đang đối mặt với ngày càng nhiều vụ kiện liên quan đến khí hậu. Mới đây nhất là vụ một tòa án Hà Lan ra phán quyết yêu cầu tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Shell phải giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2030.
Theo báo cáo, các công ty đang hoạt động tại các nền kinh tế giàu có - như Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia và đặc biệt là Mỹ, vốn chiếm phần lớn các vụ kiện cho đến nay, dễ phải đối mặt với các hành động pháp lý nhất trong tương lai. Nhưng báo cáo cũng nhấn mạnh rằng số vụ kiện khí hậu cũng sẽ gia tăng tại các nước đang phát triển.
Báo cáo trên đã đưa ra một “chỉ số kiện tụng khí hậu”, trong đó đánh giá khả năng xảy ra các vụ kiện về biến đổi khí hậu tại gần 200 quốc gia, dựa trên các vụ tranh tụng trước đây, ý thức của dư luận, các hoạt động vì môi trường và sức nặng của hệ thống tư pháp. Không ngạc nhiên khi Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng, sau đó là Anh, Australia, Pháp và Đức. 17 quốc gia tiếp theo trong danh sách đều là nước châu Âu, trừ Canada (thứ 10) và Nhật Bản (thứ 18). Những nước đang phát triển như Mexico, Colombia, Nam Phi, Brazil và Philippines có mặt trong tốp 50, trong khi Indonesia và Pakistan chỉ ngay sau đó.
Chuyên gia phân tích về biến đổi khí hậu và môi trường của Verisk Maplecroft, bà Liz Hypes cho biết: “Các dữ liệu của chúng tôi chỉ ra một sự thay đổi tại các nền kinh tế mới nổi lớn, nơi các vụ kiện tụng liên quan đến môi trường sẽ gia tăng vì mối đe dọa mà biến đổi khí hậu đặt ra tại đây lớn hơn các nơi khác”.
Theo số liệu của Trung tâm pháp luật về biến đổi khí hậu Sabin của trường Đại học Luật Columbia, hơn 1.800 vụ kiện liên quan đến biến đổi khí hậu đã được đưa ra tòa trên khắp thế giới trong 25 năm qua, hầu hết tập trung trong khoảng 10 năm trở lại đây. Đến nay, hầu hết các vụ kiện liên quan đến khí hậu thường nhằm vào bị đơn là các chính phủ. Nhưng phán quyết đối với tập đoàn Shell và các cuộc thẩm tra các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch khác gần đây đã báo hiệu rằng các công ty cũng có thể bị kiện về việc này. Tháng trước, thành phố New York đã kiện tập đoàn ExxonMobil và hai đại gia dầu mỏ khác về hành động che giấu mức độ gây ô nhiễm thực tế của các sản phẩm của mình và cố ý đánh lừa người tiêu dùng về việc công ty đã góp phần gây biến đổi khí hậu tới mức nào.
Khi các chính phủ phản ứng trước sức ép của dư luận phải hành động nhanh hơn để chống biến đổi khí hậu, các tập đoàn có thể sẽ bị trừng phạt vì làm môi trường thay đổi quá nhanh. Nếu các công ty không giảm khí thải và không minh bạch về mức độ nguy cơ khí hậu của hoạt động kinh doanh, hình ảnh và tiếng tăm của công ty có thể bị ảnh hưởng ngay cả khi tòa ra phán quyết thuận cho họ. Nguy cơ cũng có thể dưới dạng phạt hành chính. Bà Hype cho biết các công ty và cả các nhà đầu tư của họ “đang đối mặt với các nguy cơ pháp lý thực sự mà hậu quả có thể sẽ rất lớn”.
Một diễn biến mới nhất, trong tuần này, các nhà đầu tư đã chọn hai nhà hoạt động môi trường vào thành viên ban điều hành của tập đoàn ExxonMobil, và một hội nghị các nhà đầu tư thường niên khác đã quyết định rằng tập đoàn Chevron phải cắt giảm khí thải./.

 

Bích Liên (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết