Dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ đưa ra 5 chuẩn mực đạo đức, 10 chuẩn mực về giao tiếp; trong đó có viên chức không bao che các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức...
Bộ Nội vụ cho biết qua đánh giá thực trạng việc thực hiện các nội dung về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước cho thấy nhìn chung các bộ, địa phương rất quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản cũng như triển khai thực hiện các quy định về đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Do đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, ngày càng được nâng cao, việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và nơi cư trú ngày càng nghiêm túc hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện đạo đức công vụ vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.
Tại một số bộ, địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức chưa sâu sát, hiệu quả chưa cao.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và đồng nghiệp, vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của bộ, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức...
Xử lý vi phạm về đạo đức công vụ chưa mang tính răn đe
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, cụ thể như các nội dung của đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong nhiều văn bản pháp luật đã gây khó khăn nhất định cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các quy định về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong tất cả các ngành và lĩnh vực, các cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chủ yếu vẫn làm theo chuyên đề, theo đợt cao điểm. Việc xử lý vi phạm về đạo đức công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa mang tính răn đe, chưa thật sự nghiêm.
Công tác đánh giá, thi đua, khen thưởng ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm đổi mới, chưa gắn với kết quả thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chưa chú trọng xây dựng những tấm gương điển hình tiên tiến; chưa có hình thức khuyến khích, chế độ khen thưởng thỏa đáng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và triển khai thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quyết liệt...
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 48/QĐ-TTg về ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ."
Xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức công vụ cũng như thực trạng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay, Bộ Nội vụ cho rằng, việc xây dựng Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ là hết sức cần thiết, làm căn cứ để các bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước.
“Xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ nhằm đảm bảo sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác," Bộ Nội vụ cho hay.
Không được lợi dụng vị trí công tác, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân
Theo dự thảo Nghị định (lần 2) đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, yêu cầu chung là cán bộ, công chức, viên chức phải là người trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, liêm khiết và trung thực; là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ.
Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định của ngành.
Dự thảo Nghị định đưa ra 5 chuẩn mực đạo đức; 10 chuẩn mực về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức bao gồm tính chính trực, liêm chính; tính khách quan, công bằng, bình đẳng; sự đúng mực, tính thận trọng; sự tận tụy và kịp thời; năng lực và sự chuyên cần.
Đáng chú ý là khi thực hiện công việc chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức phải trung thực, trách nhiệm, thẳng thắn, không bao che các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức; không được lợi dụng vị trí công tác, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân; không để các thành viên gia đình, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác liên quan đến công việc, nhiệm vụ do cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức phải vô tư, khách quan; căn cứ vào quy định pháp luật để giải quyết công việc cho công dân và tổ chức; không thiên vị nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong quá trình giải quyết công việc. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải hành xử nghiêm túc, đúng mực, lịch thiệp, không được có lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục phản cảm; phải tận tụy với công việc, cống hiến hết mình trong thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết nhanh nhất công việc được giao.
Trong giao tiếp, ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân; tận tình giải thích, hướng dẫn trong giải quyết công việc; ứng xử có văn hóa, tôn trọng danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, công dân có quan hệ công tác.
Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tiếp công dân và tổ chức tại cơ quan, không hẹn gặp, không tiếp công dân và tổ chức bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc, tại nhà riêng; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên; tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới; không quan liêu, hách dịch, coi thường cấp dưới. Không chỉ đạo cấp dưới làm việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức, viên chức và của cơ quan, đơn vị.
Dự thảo Nghị định cũng nêu 10 nội dung về kỷ luật, kỷ cương hành chính mà cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện, trong đó có quy định không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến công dân và tổ chức./.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)