Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Châu Âu trên con đường cải thiện luật pháp liên quan tới chống tham nhũng

Ngày phát hành: 20/11/2020 Lượt xem 1368

 

TTXVN (Brussels 19/11): Khi thế giới đang đối mặt với một trong những cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, các con số về tham nhũng ở Liên minh châu Âu (EU) là vô cùng đáng kinh ngạc. Có tới 990 tỷ euro bị thất thoát mỗi năm, tương đương 6,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối. Một báo cáo của tổ chức tư vấn Câu lạc bộ luật sư, được công bố ngày 18/11, đã kêu gọi thực hiện các biện pháp mới nhằm giải quyết vấn đề này và cải thiện luật pháp châu Âu liên quan tới chống tham nhũng.

 

Ảnh minh họa: Pixabay

Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng do Tổ chức minh bạch quốc tế công bố, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ tham nhũng mà các chuyên gia và doanh nhân cho thấy trong khu vực công, châu Âu vẫn là nơi có điểm số tốt nhất, với mức trung bình là 66%, điều này khiến chúng ta có thể hình dung ra sự nghiêm trọng của vấn đề ở những nơi khác trên thế giới. 

Tuy nhiên, ngoài con số 6,3% GDP kể trên, chính sách tố giác của EU cũng phải trả giá đắt. Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu vào năm 2017, các thiệt hại do thiếu sự bảo vệ dành cho người tố cáo tham nhũng ở châu Âu ước tính lên tới từ 5,8 đến 9,6 tỷ euro.

Do đó, báo cáo tập trung vào lĩnh vực mua sắm công, một thành phần chính của nền kinh tế và là điểm nóng của nạn tham nhũng... Trong bối cảnh này, việc bảo vệ người tố cáo có thể khuyến khích việc phơi bày các hành vi tham nhũng, từ đó giảm việc lạm dụng công quỹ. Điều này dựa trên một cuộc khảo sát nêu chi tiết về các chi phí mà khu vực công phải gánh chịu để thiết lập sự bảo vệ lâu dài cho những người tố cáo ở 7 quốc gia châu Âu, nơi các điều khoản này có hiệu lực - Ireland, Italy, Hà Lan, Romania, Slovakia, Vương quốc Anh và Pháp.

Kết quả của báo cáo đã "chứng minh rõ ràng" giá trị kinh tế do việc bảo vệ người tố giác mang lại, với tiềm năng về hiệu quả cho tất cả các quốc gia và các kịch bản được mô hình hóa vượt xa chi phí phải bỏ ra.

Theo một báo cáo điều tra đặc biệt của Nghị viện châu Âu mang tên “Eurobarometer” được công bố năm 2017, 68% người châu Âu đánh giá tham nhũng là không thể chấp nhận được và cho rằng vấn nạn này đang phổ biến ở đất nước của họ.

Trong cùng vấn đề, Mỹ là quốc gia có lợi thế cạnh tranh. Đạo luật về hành vi tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ (FCPA) có tính chất đặc biệt, đó là đạo luật có hiệu lực ngay cả ở bên ngoài lãnh thổ. Các hành vi tham nhũng do các công ty hoặc cá nhân thực hiện, dù là người Mỹ hay không, được thành lập tại Mỹ theo cách này hay cách khác, chỉ đơn giản là được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Mỹ hoặc liên quan tới một tác nhân nào đó trong thị trường tài chính, có thể bị truy tố bởi Bộ Tư pháp Mỹ. Việc chỉ thiết lập kết nối điện thoại hoặc gửi e-mail đi qua lãnh thổ Mỹ cũng cho phép áp dụng luật này.

Với công cụ pháp lý này, Washington đã liên tục áp dụng chính sách thương mại rất tích cực. Từ năm 2008 đến 2018, trong số 26 bản án nặng nhất về tội tham nhũng theo FCPA, có 14 công ty châu Âu liên quan, với tổng số tiền là 5,34 tỷ euro, tương đương 60% tổng số tiền phạt, và cùng thời điểm chỉ có 5 công ty của Mỹ bị liên quan.

Ủy ban Châu Âu đã trình bày báo cáo đầu tiên về tình trạng luật pháp ở cấp độ EU vào ngày 30/9. Điều này tạo thành một cơ chế “phòng ngừa” nhằm ngăn chặn bất kỳ sự suy thoái nào tiếp theo. Chủ tịch Câu lạc bộ luật sư của Pháp Bernard Cazeneuve đánh giá tầm vóc quốc tế của các vấn đề tuân thủ (tôn trọng các tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức trong doanh nghiệp) kêu gọi hành động mạnh mẽ từ châu Âu bằng cách cho ra đời một luật châu Âu trong vấn đề này. Đây là một trong những điều kiện để tái cân bằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sức mạnh kinh tế và chính trị của Mỹ, gắn liền với quyết tâm chống tham nhũng ngay cả bên ngoài lãnh thổ, trên thực tế đã mang lại cho họ tất cả tính hợp pháp để truyền cảm hứng cho việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Luật về minh bạch, chống tham nhũng và hiện đại hóa đời sống kinh tế, được gọi là “Sapin 2”, được Quốc hội Pháp thông qua vào cuối năm 2016, có tham vọng đưa luật pháp của Pháp đạt các tiêu chuẩn tốt nhất của châu Âu và quốc tế về đấu tranh chống tham nhũng, và do đó đóng góp vào hình ảnh tích cực của nước Pháp trên trường quốc tế.

Đối với ông Cazeneuve, các biện pháp quan trọng được Pháp thực hiện từ lâu để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong cuộc chiến chống tham nhũng là một nguồn hy vọng. Được thông qua để đối phó với tính chất ngoài lãnh thổ của luật pháp Mỹ, các biện pháp trừng phạt mà các thẩm phán tuyên bố nhằm chống lại các công ty Pháp và với mong muốn làm cho việc tuân thủ trở thành một yếu tố của khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, hiện cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Các biện pháp do Câu lạc bộ luật sư đề xuất thông qua bao gồm một gói chống tham nhũng của châu Âu - được cho là sẽ bảo vệ tốt hơn các công ty EU trước nguy cơ từ các thủ tục ngoài lãnh thổ của Mỹ, việc đưa vào luật của châu Âu về nghĩa vụ tuân thủ các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hoặc thiết lập nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên trong việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng, thậm chí được thực hiện cả bên ngoài lãnh thổ của họ có liên quan với hành vi tham nhũng, tương tự mô hình FCPA của Mỹ./.

 

Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết