Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020: thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực

Ngày phát hành: 13/08/2021 Lượt xem 6898

 

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Đặc biệt, tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội khóa XV và gần 30% nữ tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.

 


Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 

tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát


Thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực
Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, ngày 12/8/2021, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, sau 10 năm triển khai Chiến lược, chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Những thành tựu này sẽ là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới.
         Tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra 7 mục tiêu cụ thể (bao gồm 22 chỉ tiêu) cần thực hiện trong giai đoạn này, đồng thời chỉ rõ phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới.
Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Đề án Thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020; Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025…
Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách cũng từng bước được thực hiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án… đã được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội.

 


Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu. Ảnh: TTXVN phát


Là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất Mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái
Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chủ trương của Đảng và Nhà nước, được ghi nhận trong Hiến pháp ngay từ khi thành lập nước. Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020...
Số liệu thống kê cho thấy, kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG trên các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam đứng thứ 87/153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới. Việt Nam được ghi nhận đã cải thiện được chỉ số về cơ hội và sự tham gia các hoạt động kinh tế của nữ giới. Đặc biệt, khoảng 45% thu nhập trong nền kinh tế Việt Nam thuộc về phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam hiện đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới, khoảng 70% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khoảng 1,85%. Tỷ lệ nữ có bằng đại học tương đương nam giới, tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt 28%. Khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết đọc, biết viết giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể. Tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%. Các vị trí quản lý cấp cao do phụ nữ Việt Nam đảm nhiệm chiếm 27%, cao hơn trung bình thế giới...
Những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất Mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng còn một số vấn đề trở ngại trong lĩnh vực bình đẳng giới. Cụ thể, về kinh tế, chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại; cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới. Phụ nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch COVI-19. Về chính trị-xã hội, tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Trong gia đình, phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp nhiều vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.


 Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 
Trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, ngày 3/3/2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết 28/NQ-CP về việc ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tổng quát "Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước".
          Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu, cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.
          Bên cạnh một số chỉ tiêu cần tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn trước, Chiến lược 2021-2030 còn bao gồm các chỉ tiêu mới, như giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho cộng đồng LGBT; nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân...
          Cụ thể: đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
          Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới; đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản...
          Trong lĩnh vực y tế, đưa tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030...
          Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...
          Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chiến lược là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
          Đồng thời, xây dựng và triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, như: truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý ở các cấp hoạch định chính sách. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Hằng năm, tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết