Vị trí tâm chấn của trận động đất 7,8 độ (theo USGS).
Tính đến chiều ngày 10/2/2023 (giờ Việt Nam), số người thiệt mạng trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 21.000 người, trong khi hy vọng tìm thấy thêm người sống sót ngày càng vơi dần. Các chuyên gia lo ngại con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh thời tiết giá lạnh và thời gian tính từ khi động đất xảy ra đã vượt quá mốc 72 giờ, vốn được các chuyên gia thảm họa coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất. Bất chấp những khó khăn, hàng nghìn người tham gia lực lượng cứu hộ cứu nạn của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria lẫn quốc tế vẫn không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm những người sống sót.
Hậu quả tàn khốc
Trận động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm ngày 6/2/2023 đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ cùng quốc gia láng giềng và Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 21.000 người (tính đến chiều ngày 10/2 theo giờ Việt Nam), làm hàng chục nghìn người bị thương, đẩy nhiều người vào tình cảnh "màn trời chiếu đất" trong thời tiết lạnh giá của mùa đông. Trận động đất cũng khiến hàng nghìn tòa nhà bị sập và vô số công trình kiến trúc bị phá hủy, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 13 triệu người. Số nạn nhân được dự báo sẽ còn tăng khi công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người mắc kẹt trong các đống đổ nát giữa lúc thời tiết lạnh giá. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ để quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất, treo cờ rủ tại tất cả các cơ quan chính phủ ở trong nước và các văn phòng đại diện tại nước ngoài cho tới ngày 12/2.
Quang cảnh hoang tàn tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) sau rung chấn.
Với hơn 50 dư chấn được ghi nhận sau động đất, trận động đất ngày 6/2 là trận động đất lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ từng ghi nhận kể từ năm 1939, khi một trận động đất ở tỉnh Erzincan phía Đông nước này khiến 33.000 người thiệt mạng. Trung tâm Động đất quốc gia Syria cũng cho biết đây là trận động đất mạnh nhất mà cơ quan này ghi nhận kể từ khi được thành lập vào năm 1995. Rung chấn của trận động đất lan tới cả Liban và Cộng hòa Cyprus. Cơ quan xếp hạng Fitch ước tính trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây thiệt hại kinh tế hơn 4 tỷ USD. Nhiều chuyên gia ước tính thiệt hại về kinh tế là tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo The New York Times dẫn nhận định của Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines rằng năng lượng giải phóng ra từ trận động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm. Trong khi đó, chuyên gia của Đại học Melbourne (Australia) đánh giá năng lượng do trận động đất giải phóng ra tương đương năng lượng đủ để thành phố New York (Mỹ) tiêu thụ trong 4 ngày. Theo giới chuyên môn, trận động đất gây thiệt hại lớn do xảy ra ở khu vực đông dân cư và vào rạng sáng khi nhiều người còn đang ngủ. Ngoài ra, tâm chấn nông cũng là yếu tố gia tăng mức độ tàn phá. Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến mức độ tàn phá là chất lượng xây dựng của các tòa nhà trong khu vực. Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy, cấu trúc của phần lớn các tòa nhà trong khu vực đều rất dễ chịu tác động của các đợt rung chấn. USGS đánh giá dù không phải trận động đất mạnh nhất thế giới, nhưng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm. Mặc dù dữ liệu của USGS cho thấy trận động đất có độ lớn 7,8, nhưng một số chuyên gia nhận định con số này có thể lớn hơn.
Những người sống sót sau động đất đang đối mặt với khủng hoảng về thực phẩm và nơi trú ẩn. Nhiệt độ giá buốt khiến điều kiện sinh hoạt thêm khắc nghiệt, đặc biệt đối với hàng nghìn người phải ngủ lại trong ô tô và lều tạm do không thể trở về nhà. Do quy mô thiệt hại quá lớn và nỗ lực cứu trợ bị hạn chế tại một số khu vực nhất định, nhiều người sống sót cho biết họ cảm thấy đơn độc khi ứng phó với thảm họa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay là tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo những người sống sót trong thảm họa vẫn tiếp tục sống. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng khi có quá nhiều người đang phải sống trong trong tình cảnh ngày càng tồi tệ, từ thiếu thốn đồ ăn, nước uống đến nhiên liệu, thông tin liên lạc. Theo WHO, mối đe dọa dịch bệnh sau động đất có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay lập tức.
Lâu đài Gaziantep ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ - di sản thế giới 2.000 năm tuổi được UNESCO công nhận - chỉ còn là đống gạch vụn sau trận động đất.
Không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm người sống sót
Việc hàng nghìn người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do động đất đã vượt quá năng lực cứu hộ, cứu nạn của bất kì quốc gia riêng lẻ nào. Sau khi động đất xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời chính thức đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thảm họa. Về phía Syria, chính phủ nước này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Lực lượng dân quân và quân đội tiến hành công tác cứu nạn tại Hama (Syria).
Trong nỗ lực tham gia hoạt động cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, các tổ chức lớn và nhiều quốc gia trên thế giới đã cử những đội nghiệp vụ cùng trang thiết bị y tế tới hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng này.
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 9/2 nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh "chính trị hóa" viện trợ cho các nạn nhân động đất ở Syria, quốc gia đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời hối thúc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo công tác viện trợ "không có trở ngại nào". Ông Geir Pedersen, Đặc phái viên của LHQ về Syria, nhấn mạnh cần đưa viện trợ đến các khu vực do chính quyền Damascus kiểm soát cũng như những khu vực do lực lượng đối lập nắm giữ để khắc phục hậu quả của động đất. LHQ đã công bố khoản tài trợ trị giá 25 triệu USD cho công tác nhân đạo tại những khu vực bị ảnh hưởng tại hai nước trên, đồng thời cho biết đã cử các nhóm tới đánh giá tình hình thực tế và tham gia hỗ trợ khi cần thiết.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ ngày 9/2 thông báo, nước này đang nới lỏng lệnh trừng phạt trong vài tháng cho Syria nhằm tạo điều kiện tiến hành một số hoạt động nhất định trong nỗ lực phục hồi sau trận động đất, nêu rõ quy định này áp dụng cho việc quyên góp và chuyển tiền để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ.
Trong khi đó, WHO đã cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời cử ba máy bay chở vật tư y tế đến các khu vực bị động đất tàn phá, nơi "nhu cầu về y tế là rất lớn". Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế thì cử 6 đội hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và điều trị khẩn cấp tới các vùng gặp nạn. Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đang thực hiện tiến trình hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ với khoản phục hồi tài chính trị giá 1,78 tỷ USD. 780 triệu USD sẽ được gửi ngay lập tức cho Ankara, trong khi các khoản vay khác thuộc gói cứu trợ nêu trên sẽ được chuyển sang hai dự án vay vốn của WB tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một khoản viện trợ khác trị giá 1 tỷ USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi và tái thiết cũng đang được chuẩn bị.
Với phương châm cần đẩy nhanh và mạnh cùng lúc hai nhiệm vụ cứu người bị nạn và cung cấp cứu trợ nhân đạo, EU đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị các nhà tài trợ vào tháng 3 tới để huy động viện trợ quốc tế cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Ủy ban châu Âu (EC) khuyến khích các nước thành viên EU đáp ứng đề nghị về thực phẩm và vật tư y tế của Syria. Hàng chục quốc gia, gồm Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh cam kết giúp đỡ và triển khai các đội tìm kiếm cũng như đảm bảo hàng cứu trợ được chuyển đến. EU đã triển khai các đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ban đầu họ chỉ cung cấp hỗ trợ tối thiểu cho Syria do ảnh hưởng các lệnh trừng phạt của EU áp đặt từ năm 2011 đối với chính phủ nước này. EU đã triển khai 27 đội tìm kiếm cứu nạn và y tế từ 19 quốc gia thành viên tới hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng "tài trợ để các tổ chức nhân đạo thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ" ở Syria. EU đã nhận được đề nghị hỗ trợ của Chính phủ Syria thông qua cơ chế bảo vệ dân sự. Theo đó, các nước thành viên được khuyến khích tham gia hỗ trợ Syria theo đề nghị. Trước đó, EU cũng kích hoạt Cơ chế Bảo vệ Dân sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện sự đoàn kết với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc triển khai lực lượng gồm 1.400 người từ khắp 20 quốc gia đồng minh và đối tác của NATO tới Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác cứu hộ. Chung tay hỗ trợ các nạn nhân của thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hàng chục quốc gia khác trên thế giới đã điều động các đội cứu hộ cũng như ủng hộ tài chính, gửi hàng cứu trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng…/.
Theo TTXVN