Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

COVID-19 tiếp tục gây gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản ở nhiều nước

Ngày phát hành: 09/02/2022 Lượt xem 710

Theo kết quả khảo sát mới, các dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không có sự cải thiện đáng kể so với kết quả cuộc khảo sát thực hiện hồi đầu năm 2021.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Theo kết quả khảo sát mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 7/2, hầu hết trong tổng số 194 quốc gia thành viên tổ chức này đều ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản, trong đó có chương trình tiêm chủng và điều trị các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.

Khảo sát về tác động của đại dịch COVID-19 được WHO thực hiện trong thời gian từ tháng 11-12/2021. Kết quả cho thấy có đến 92% trong số 129 quốc gia thành viên WHO được khảo sát ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản như tiêm phòng hay điều trị HIV/AIDS trong giai đoạn trên.

Các dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không có sự cải thiện đáng kể so với kết quả cuộc khảo sát thực hiện hồi đầu năm 2021. Cụ thể, dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp bị gián đoạn nghiêm trọng hơn khi có tỷ lệ quốc gia báo cáo tình trạng gián đoạn trong cung cấp những dịch vụ này tăng lên 36%, cao hơn so với tỷ lệ 29% ghi nhận vào đầu năm 2021 và 21% trong cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện năm 2020.

Các dịch vụ y tế không thực sự khẩn cấp như thay khớp háng và đầu gối đã bị ảnh hưởng ở 59% số quốc gia tham gia khảo sát và khoảng một nửa trong số đó không thể đảm bảo dịch vụ chăm sóc giảm đau triệu chứng hoặc phục hồi chức năng đầy đủ.

WHO cho rằng ngày càng nhiều nước ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế là do các vấn đề đã tồn tại từ trước của hệ thống y tế cũng như nhu cầu sử dụng các dịch vụ này giảm.

Thời điểm thực hiện cuộc khảo sát trùng với thời điểm số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở nhiều quốc gia do khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron vào cuối năm 2021, gây thêm áp lực cho các bệnh viện.

WHO nhấn mạnh kết quả cuộc khảo sát này cho thấy thế giới cần hành động khẩn cấp để giải quyết những thách thức lớn của hệ thống y tế, phục hồi các dịch vụ và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19./.

 

Văn Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết