Cùng chung một ý chí “chống dịch như chống giặc” của hàng triệu người dân Việt Nam, thời gian qua, giới văn nghệ sỹ với sứ mệnh là những “chiến sỹ” trên “mặt trận” văn hóa đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật truyền tải thông điệp nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19, tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng. Có thể thể nói, trước những khó khăn, hiểm nguy đe dọa đến cộng đồng, dân tộc, văn nghệ sỹ nước nhà tiếp tục khẳng định sứ mệnh chính trị, chức năng nhân văn của văn hóa, nghệ thuật cách mạng.
* Khi Tổ quốc gọi tên
Từ những ngày đầu tiên của “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, có lẽ thơ và nhạc được công chúng chú ý nhất bởi có sức lan tỏa lớn. Cho đến nay, đã có hàng nghìn bài thơ do những tác giả chuyên và không chuyên viết về công cuộc chống dịch, trong đó, có nhiều bài thơ ca ngợi đất nước chung tay “Chống dịch như chống giặc”, có nhiều bài thơ ca ngợi những “chiến sĩ áo trắng” trong tuyến đầu của cuộc chiến, rồi những bài thơ nhắc nhở cộng đồng hãy phát huy tinh thần chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Vừa qua, cộng đồng mạng đã liên tục chia sẻ bài thơ “Hoa hạnh phúc” của Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh đã viết để tặng các “chiến sĩ áo trắng” ngành y tế Việt Nam đã và đang cứu chữa hàng trăm người nhiễm virus COVID-19. Bài thơ đã làm rung động trái tim bao người, có đoạn viết: “Bệnh viện là chiến trường/ Thày thuốc là chiến sĩ/ Cuộc chiến không ngưng nghỉ/ Cứu mạng người ngày đêm!”.
Cùng với đó là những ca khúc chống dịch mang giai điệu vui tươi, sôi động đã lan tỏa trong trái tim hàng triệu người như: “Ghen cô Vy”, “Nắm tay qua đại dịch”, “Việt Nam ơi! Đánh bay COVID”, “Chung tay phòng chống Corona”, “Bao la những trái tim hồng”, “Việt Nam sẽ chiến thắng”… Các ca khúc đã góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên, nâng cao sức khỏe cộng đồng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Sức lan tỏa của ca khúc này đã vượt giới hạn, được nhiều nước trên thế giới chọn thể hiện lại, như một cách tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thật gần gũi, dễ tiếp nhận. Điển hình như ca khúc “Ghen cô Vy”.
Không chỉ cổ vũ, khích lệ tinh thần phòng, chống dịch của người dân, việc “tuyên chiến” với tin giả, tin sai sự thật cũng được các ca sĩ đưa vào ca khúc của mình. Mới đây, nhóm nhạc Dalab đã cho ra mắt bản nhạc rap “No Fake News” (Không tin giả), phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) qua bản tin RapNewsPlus (một sản phẩm báo chí của TTXVN). TTXVN cũng phối hợp cùng M21 sản xuất loạt video "Together We Win" với thông điệp "Cùng đoàn kết giành chiến thắng".
Cùng với âm nhạc hiện đại, các nghệ sĩ trong làng nghệ thuật truyền thống như Xẩm, Chèo, Cải lương, Quan họ cũng bước cuộc chiến chống đại dịch COVID -19 cùng với cộng đồng cả nước.
Nhóm Xẩm Hà thành đã khiến những người yêu nhạc truyền thống ngạc nhiên và thích thú khi trình làng MV "Tiêu diệt Corona". Nhóm này gồm Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Văn Phương, Phạm Trang, Ngọc Xuân đã trình bày bản xẩm theo phong cách dí dỏm, lồng ghép các loại hình diễn xướng dân gian, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, phê phán những người thiếu ý thức trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Các nghệ sĩ đất Chèo Thái Bình cũng góp vào “mặt trận” chống COVID-19 hai bài chèo thú vị. Bài "Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid” - theo làn điệu Đào Liễu do Trương Công Đỉnh soạn lời. Bài Chèo có đoạn “Chung sức chung lòng, nhân dân ta cả nước bình tâm chung sức chung lòng tên khắp non sông đồng tâm nhất trí, COVID sợ gì, ta sẽ đập tan mong mọi người chớ có hoang mang…”.
Hay, mới đây, bài ca cải lương có tên “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” của soạn giả Lê Thế Song được NSƯT Hoàng Tùng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và nghệ sĩ Xuân Hồng thể hiện khi xuất hiện trên mạng, đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của công chúng.
Còn Kyo York, ca sỹ người Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam, cũng gây bất ngờ với công chúng khi ra mắt MV “Trống cơm-chống COVID-19” song ngữ Việt-Anh. Phiên bản “Trống cơm-chống COVID-19” được hòa âm, viết lời Việt bởi nhạc sỹ Khúc Đạo Minh, phần lời tiếng Anh do ca sỹ Kyo York chuyển ngữ. Trong nền dân ca Bắc Bộ, “Trống cơm phiên bản COVID-19” gây ấn tượng với giai điệu vui tươi, rộn rã trên nền nhạc của bài dân ca Bắc Bộ “Trống cơm”.
Cùng với âm nhạc, lĩnh vực mỹ thuật, điện ảnh cũng có những tác phẩm về đề tài chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường rất kịp thời, thuyết phục.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, một cuộc vận động sáng tác tranh cổ động “thần tốc” chỉ 5 ngày đã được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức và bất ngờ nhận được sự tham gia rất đông đảo của họa sĩ cả nước. Dù thời gian rất ngắn, nhưng sau 5 ngày (từ ngày 10 đến 15-3-2020), Ban Tổ chức đã nhận được 103 tác phẩm của 23 họa sĩ trên toàn quốc và đã lựa chọn 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu như: “Vì một thế giới không có COVID-19” của họa sĩ Nguyễn Anh Minh, “Không để dịch bệnh COVID-19 lây lan cộng đồng” của họa sĩ Hà Quốc Minh, “COVID-19 đừng chủ quan - đừng hoang mang của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, “Chung sức đồng lòng chống COVID-19” của họa sĩ Đỗ Như Điểm… Trong đó, một số bức tranh được đánh giá là đẹp và đạt tới mẫu mực của tranh cổ động. Các mẫu tranh này được in và phát hành đến Trung tâm Văn hóa, Thể thao các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư tại 10.732 UBND xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phát hành bộ tem “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19”. Bộ tem gồm 2 mẫu được thiết kế theo phong cách đồ họa, thể hiện hình ảnh của các lực lượng y tế, công an, quân đội… đang ngày đêm tham gia chống dịch. Họ như những “lá chắn” bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Ở lĩnh phim ảnh, “Những ngày không quên” vừa chính thức lên sóng lúc 21 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên VTV1, mang đến thông điệp ý nghĩa. Phim tái hiện cuộc sống của người dân thành thị lẫn nông thôn khi dịch COVID-19 ập đến. Nội dung phim khai thác từ hai bộ phim từng được khán giả yêu thích là “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta” phát sóng cách đây không lâu. Phía sau câu chuyện, điều mà những người làm phim muốn gửi gắm chính là tình người, ý thức trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng, về sự đoàn kết, chung tay, sự tri ân với lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch.
Mới đây, Cục Điện ảnh cũng yêu cầu Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương nhanh chóng xây dựng kịch bản phim tài liệu về việc phòng chống dịch, khẳng định nỗ lực của đất nước Việt Nam trên trận tuyến đầy cam go, thử thách; khẳng định sự chủ động, tích cực, khoa học, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Chính phủ, toàn quân, toàn dân. Đây hứa hẹn sẽ là một bộ phim với đặc thù ngôn ngữ điện ảnh tài liệu, khoa học, phản ánh hiện thực sống động, có chiều sâu.
Vai trò của các văn nghệ sĩ còn được thể hiện trong các hoạt động kết nối thiện nguyện của cộng đồng. Nhiều nghệ sĩ cũng tổ chức biểu diễn cũng như tham gia trực tiếp vào các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ cộng đồng. Đó là những “tác phẩm” vô giá mà các văn nghệ sĩ đem lại cho cuộc chiến chống dịch bệnh đang hết sức cam go này.
* Những "chiến sỹ" trên "mặt trận tinh thần"
Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc và quý trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.
Kháng chiến chống thực dân Pháp là hiện thực sinh động để các văn nghệ sĩ cách mạng sáng tác được nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian như: “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, “Con trâu” của Nguyễn Bổng, “Việt Bắc” của Tố Hữu; các tác phẩm mỹ thuật của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên…; các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… Và để có những tác phẩm như thế, nhiều văn nghệ sĩ như Trần Đăng, Nam Cao, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân… đã hy sinh anh dũng trong tư thế của người chiến sĩ-nghệ sĩ.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thêm một thế hệ các nhà văn, nghệ sĩ có mặt ở các nhà máy, hầm mỏ, ruộng đồng. Không ít trong số họ cầm súng đi vào bưng biền, sống trong rừng, trên núi và chiến đấu bằng ngòi bút ngay giữa đô thành Sài Gòn đầy cạm bẫy, hiểm nguy. Lại thêm những Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Vũ Bằng, Hoàng Việt… và bao nhà văn, nghệ sĩ khác nữa đã ngã xuống trong cuộc chiến giành lại độc lập, tự do cho non sông, đất nước.
Bước sang thời kỳ hoà bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn hóa, nghệ thuật tiếp tục phát huy truyền thống của mình trong kháng chiến, vừa là một tiếng nói trách nhiệm và tâm huyết, góp phần cùng với Đảng và nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới. Nhiều tác phẩm ca ngợi, cổ vũ những tấm gương người tốt, việc tốt, những con người năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất kinh doanh và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác. Cũng có những tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn. Nhiều văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đó là tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng… Âm nhạc với những sáng tác nổi bật như kịch múa “Những khoảnh khắc bất tử” của Đỗ Hồng Quân, “Hoa lư - Thăng Long - bài ca dời đô” của nhạc sĩ Doãn Nho, “Ngàn năm nhớ về ngày ấy” của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp; các ca khúc về biển đảo quê hương nở rộ như “Khúc tráng ca biển” của nhạc sĩ Vũ Thiết, “Biển đảo anh hùng”, “Tổ quốc quang vinh” của nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm… Hay những bộ phim truyền hình như: Ma làng, Đất và người, Mùa lá rụng, Chạy án, Luật đời, Bí thư tỉnh ủy; những bộ phim điện ảnh: Ngã ba Đồng Lộc, Sống cùng lịch sử, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại…
Có thể thấy, dù thời chiến cũng như thời bình, mỗi khi có những sự kiện lịch sử lớn lao của đất nước, của dân tộc, mỗi khi cần tiếng nói để huy động sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân, văn nghệ sỹ đều hiện diện, thể hiện trách nhiệm, sứ mệnh lớn lao đối với đất nước. Đặc biệt, trong những ngày này, khi cả nước đang chung tay chống "giặc" COVID-19, những sản phẩm nghệ thuật của họ đã trở thành những vũ khí sắc bén, xung kích, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, hành động của đông đảo quần chúng nhân dân.
Chia sẻ về những ca khúc cổ động trong mùa dịch, nhạc sỹ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho biết: “Hội Nhạc sỹ Việt Nam luôn khuyến khích các nhạc sỹ trong Hội có những sáng tác cổ động, tuyên truyền trong mọi sự kiện thời sự của đất nước, của dân tộc, tạo ra những "món ăn tinh thần" phục vụ cộng đồng, thực hiện đúng chức năng văn nghệ sỹ là những "chiến sỹ" trên "mặt trận tinh thần", góp phần cùng toàn dân đoàn kết, đẩy lùi dịch bệnh”.
Còn Họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ "Với tinh thần và trách nhiệm của người nghệ sỹ, khi đất nước cần, anh em nghệ sỹ sẵn sàng tham gia, vào cuộc với trách nhiệm cao nhất để chung tay với cộng đồng, với xã hội"./.
Diệp Ninh (tổng hợp)