Theo một báo cáo do tổ chức nhân đạo Oxfam công bố hôm 27/7, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến tỷ lệ người nghèo và thất nghiệp ở Mỹ Latinh gia tăng. Tuy nhiên, khối tài sản của giới giàu có trong khu vực vẫn tiếp tục lớn thêm trong bối cảnh dịch bùng phát.
Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ toàn cầu này cho hay khối tài sản của ít nhất 73 tỷ phú sinh sống tại Mỹ Latinh và Caribe đã tăng thêm tổng cộng là 48,2 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2020, giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trong khu vực.
Cũng theo Oxfam, con số này tương đương với khoảng 1/3 tổng ngân sách dự kiến cho các gói kích thích kinh tế của tất cả các quốc gia trong khu vực nhằm hỗ trợ người nghèo, người thất nghiệp và người lao động không có việc làm ổn định trong thời kỳ dịch bệnh.
Báo cáo khẳng định rằng “tại một trong những khu vực bất bình đằng nhất trên thế giới, các tỷ phú ở đây vẫn miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra”.
Hiện tượng này đặc biệt gây chú ý tại Brazil - quốc gia hiện là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ - và theo những số liệu chính thức mới nhất đã có hơn 2,4 triệu trường hợp nhiễm bệnh và 87.000 ca tử vong.
Theo Oxfam, kể từ tháng 3/2020, khối tài sản của 42 tỷ phú Brazil đã tăng thêm tổng cộng 34 tỷ USD, trong khi tổng lượng tài sản thanh khoản của họ tăng từ 123 tỷ USD lên 157,1 tỷ USD tính đến đầu tháng 7/2020.
Oxfam giải thích rằng để đo lường sự gia tăng của các dòng tài sản lớn, họ đã dựa vào những dữ liệu do tạp chí Forbes chuyên về tài chính công bố. Giám đốc Oxfam chi nhánh Brazil Katia Maia cho rằng: “COVID-19 mang đến những điều không tương đồng đối với mọi người. Trong khi phần lớn dân số, để tránh không bị mất việc hoặc thiếu thực phẩm, phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm bệnh, thì các tỷ phú lại chẳng phải lo lắng nhiều”.
Bà Maia nói thêm rằng dữ liệu từ báo cáo cho thấy những người giàu có nhất “đang sống ở một thế giới khác, nơi những đặc quyền và của cải phát triển không ngừng gia tăng ngay tại trung tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và sức khỏe tồi tệ nhất hành tinh trong suốt thế kỷ qua”.
Mặt trái của vấn đề, vốn cho thấy 8 triệu phú mới đã xuất hiện ở Mỹ Latinh và Caribe kể từ tháng Ba vừa qua, chính là việc 52 triệu người dân trong khu vực sẽ quay trở lại với cảnh nghèo đói cùng với 40 triệu người khác “gia nhập hàng ngũ” thất nghiệp.
Như một minh chứng điển hình về sự gia tăng tài sản của giới nhà giàu, Brazil cũng là quốc gia mà tình trạng nghèo khổ và thất nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ nhất, không chỉ bởi tỷ lệ dân số đông đúc với 210 triệu người, mà còn bởi sự bất bình đẳng xã hội sâu sắc. Báo cáo trích dẫn rằng, trước khi bùng phát đại dịch, Brazil đã có khoảng 12 triệu người thất nghiệp và 40 triệu lao động phi chính thức “không sở hữu bất kỳ gói bảo trợ xã hội nào”.
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia Nam Mỹ có thể tăng gấp 4 lần vào cuối năm nay, một trong những lý do là 600.000 công ty đã đóng cửa vĩnh viễn ở Brazil do đại dịch.
Theo bà Maia, đây là con số đáng lo ngại. Bà cho biết: “Chúng ta chứng kiến một nhóm nhỏ triệu phú đang giành thắng lợi hơn bao giờ hết ở một trong những khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới” và cũng như “ở Brazil và các nước Mỹ Latinh hay Caribe khác, hàng triệu người dân đang phải vật lộn để sinh tồn”.
Báo cáo của Oxfam cho rằng những người giàu có nhất phải là những người đóng góp nhiều nhất vào nỗ lực giảm thiểu những hậu quả của thảm họa sắp tới.
Theo tính toán của Oxfam dựa trên cơ sở dữ liệu chính thức, sự sụt giảm doanh thu thuế ở những nước Mỹ Latinh và Caribe vào năm 2020 sẽ xấp xỉ mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương ứng với mức giảm 113 tỷ USD và tương đương 59% tất cả các khoản đầu tư công dành cho khu vực y tế.
Đối mặt với kịch bản tồi tệ này, vốn có thể kéo theo sự “sụp đổ” của các dịch vụ công, Oxfam trình bày trong báo cáo của mình một loạt các đề xuất nhằm “đương đầu với thảm họa”. Trước tiên, có thể thực hiện việc áp thuế đối với các khối tài sản lớn, cùng với các gói giải cứu công khai dành cho các doanh nghiệp, và đánh thuế đối với các nguồn thu bất thường của các tập đoàn lớn. Các chuyên gia cũng gợi ý thiết lập một “hiệp ước tài chính mới” để “củng cố văn hóa thuế quan” và giảm tình trạng trốn thuế, song tất cả những điều này phải được thực hiện đồng thời với chính sách giảm mạnh thuế cho người nghèo./.
Ngọc Tùng (TTXVN)