Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Đại dịch COVID-19 sau một năm: 5 sự thật được thừa nhận

Ngày phát hành: 06/12/2020 Lượt xem 1057

Một năm sau khi đại dịch xảy ra, SARS-CoV-2 đã làm chết 1,5 triệu người cùng với 65 triệu người nhiễm. Khởi phát từ Vũ Hán, dịch bệnh lan nhanh ra toàn cầu, hủy hoại các nền kinh tế trên thế giới.

 

 

Còn nhiều điều cần phải làm rõ về virus SARS-CoV-2, nhưng giới khoa học trên toàn cầu đang làm việc không ngừng nghỉ để chỉ ra được toàn bộ những ảnh hưởng của virus chết người này. Dưới đây là 5 thực tế đã được khẳng định về COVID-19.

Vaccine có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm: Trong vòng một năm, nhiều loại vaccine đã được đưa vào nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, cấp phép. Một số mẫu trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đã cho hiệu quả lên đến 95%. Đây được xem là thành tựu khoa học đầy ấn tượng, bởi thông thường việc nghiên cứu vaccine phải mất đến cả một thập kỉ, một số trường hợp thậm chí thất bại. 

Nỗ lực phát triển vaccine chống dịch bệnh, ví như căn bệnh HIV/AIDS, nhiều lần thất bại sau thử nghiệm lâm sàng. Thực tế, khi SARS-CoV-2 xuất hiện, không có gì bảo đảm rằng tiến trình nghiên cứu, phát triển vaccine sẽ cho kết quả tốt đẹp. Tốc độ ra lò nhanh của vaccine ngừa COVID-19 là nhờ vào việc chính phủ nhiều nước bỏ ra hàng tỉ USD hỗ trợ việc phát triển, nhiều giai đoạn trong nghiên cứu, thử nghiệm được tiến hành đồng thời, thay vì tuần tự. 

Có thể lây nhiễm qua không khí: Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà khoa học chưa rõ liệu SARS-CoV-2 có lây qua đường không khí hay không và nhấn mạnh vào nhóm nguy cơ lây nhiễm qua tiếp xúc với bề mặt các đồ vật mà virus bám dính vào đó.

Tuy nhiên, thực tế sau đó cho thấy rằng các phân tử mầm bệnh tồn tại trong không khí có thể là một con đường truyền nhiễm. Tạp chí khoa học “The Lancet” từng khẳng định một người dù không tiếp xúc gần với người khác, nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh, đó là bởi mắc qua đường hít thở không khí. 

Nguy cơ lây nhiễm dạng này vì thế đặt ra yêu cầu các địa điểm nằm trong không gian kín cần được mở thoáng, để không khí lưu thông, tránh mức độ tập trung đậm đặc của mầm bệnh. Một nghiên cứu khác đăng trên “The Lancet” cũng cho thấy, nguy cơ nhiễm bệnh từ tiếp xúc với bề mặt đồ vật mang virus là không cao, dù chúng có thể tồn tại ở đó nhiều giờ. 

Những người không có triệu chứng vẫn có thể phát tán virus: Theo nghiên cứu của tạp chí Nature, cứ năm người nhiễm COVID-19 thì có một người không có biểu hiện triệu chứng. Đối tượng này có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn nhóm có triệu chứng, nhưng vẫn có khả năng làm lây lan dịch bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm ở mà nhóm không triệu chứng gây ra thấp hơn 42% so với nhóm thông thường. Nhưng những người chưa xuất hiện biểu hiện ốm bệnh có thể là đang ở thời kỳ tiền triệu chứng. Tổng hợp hai nhóm tiền triệu chứng và không triệu chứng này là nguyên nhân chiếm đến 50% trường hợp lây nhiễm. 

Một số người nhiễm có nguy cơ phát tán mạnh hơn so với người khác: Người nhiễm SARS-CoV-2 rất đa dạng về cách thức lây nhiễm, với việc một số cá thể dễ gây ra lây nhiễm cho người khác hơn bình thường. Kết quả cho thấy, số này chiếm khoảng 10-20% ca nhiễm, nhưng có thể là gây ra đến 80% số ca nhiễm mới. Kiểu hít thở sâu, phong cách nói chuyện ồn ào, to tiếng có thể là một phần nguyên nhân. 

Đeo khẩu trang giảm nguy cơ lây nhiễm: Hiệu quả của khẩu trang trong ngăn ngừa lây lan dịch bệnh là điều được nói đến nhiều, thậm chí gây tranh cãi. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vật dụng đơn giản này có khả năng giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Các nghiên cứu ở Canada, Đức và Mỹ cho thấy, tỉ lệ nhiễm SARS-CoV-2 đã giảm đáng kể sau khi người dân thực hiện khuyến cáo đeo khẩu trang. 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết