Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Để đất đai thực sự là động lực cho sự phát triển đất nước

Ngày phát hành: 05/03/2023 Lượt xem 1323

Ngày 4/3, tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 

 

Tọa đàm do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, cựu giáo chức, cán bộ, đảng viên của Học viện cùng trao đổi, thảo luận, phát huy trí tuệ trong việc đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kết nối trực tuyến với 5 Học viện trực thuộc…

Tại Tọa đàm, các đại biểu thống nhất đánh giá dự thảo Luật với dung lượng hơn 155 trang, gồm 16 Chương, 237 Điều, đã thể chế hóa thành những căn cứ pháp lý nhiều nội dung định hướng đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung góp ý vào một số nội dung cơ bản, căn cốt của dự thảo Luật.

Kiểm soát quyền lực, đảm bảo thượng tôn pháp luật

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, nhìn chung dự thảo Luật Đất đai lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đất đai trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Trong tờ trình của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã viết việc soạn thảo được thực hiện theo một trong các quan điểm là: “Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của nhân dân”.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, điều đó thể hiện ở một số điểm như khi đề cập tới nội dung của quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về đất đai nói riêng, cần phải chỉ ra được vấn đề gì thuộc nhà nước Trung ương quản lý. Vấn đề gì thuộc chính quyền địa phương quản lý. Vấn đề gì cả Trung ương và địa phương cùng quản lý. Trong khi đó, Điều 21 của dự thảo Luật không phải là quy định nội dung quản lý nước về đất đai. Điều luật này mới chỉ liệt kê các công việc cần phải làm trong quản lý đất đai.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Đường cần thể hiện lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì những vấn đề gì là phải quản lý theo ngành và vấn đề gì phải quản lý theo lãnh thổ, tức việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương; những vấn đề gì cả hai cùng làm. Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các chương sau.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, qua rà soát dự thảo Luật, ông thấy có nhiều điều luật có ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và các bộ. Khi giao cho Chính phủ, các bộ ngành, hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong các điều luật phải hết sức cân nhắc để tránh "luật khung, luật ống”, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Đường cho hay và nêu ý kiến, việc ủy quyền chỉ giao quy định chi tiết một điểm hoặc nhiều lắm là một khoản trong một điều luật và phải xác định rõ phạm vi, nội dung ủy quyền, tránh tình trạng một số dự án luật lâu nay có văn bản hướng dẫn quy định chi tiết trái với luật.

Xác định giá trị quyền sử dụng đất

Tham gia thảo luận tại Tọa đàm, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Văn Phúc cho rằng, cách quy định trong dự thảo Luật Đất đai: việc Nhà nước Việt Nam định giá quyền sử dụng đất phải bảo đảm nguyên tắc “Phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” dễ gây khó hiểu và không xác thực bởi mỗi thửa đất có lợi thế khác nhau sẽ có giá khác nhau, vào các thời điểm khác nhau có giá khác nhau. Muốn có sự đồng thuận phải dựa trên cân bằng lợi ích hai bên thông qua việc trao đổi thông tin có tính thuyết phục, kể cả áp dụng các phương pháp định giá quyền sử dụng đất mà các thị trường bất động sản phát triển vẫn áp dụng...

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Văn Phúc đề nghị các giao dịch giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất cần dựa trên giá cụ thể được cơ quan tư vấn độc lập xác định bằng các phương pháp khoa học đi đôi với thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước và người sử dụng đất thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch và đối xử công bằng về lợi ích với các bên liên quan.

Tạo động lực cho phát triển đất nước

Chú thích ảnh
GS.TS Hoàng Ngọc Hòa (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trình bày tham luận: "Sửa đổi Luật Đất đai tạo động lực cho sự phát triển bền vững nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam".
Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại toạ đàm, dẫn lại lời nhà kinh tế cổ điển “Lao động là cha, đất đai là mẹ, là nguồn gốc của mọi của cải”, Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hòa nhấn mạnh, nội dung quan trọng hàng đầu của Luật Đất đai là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hòa, thực tế thời gian qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở nước ta còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng đất đai trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Chương 4: Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung,  hoàn thiện. Ví dụ, quy định liên quan đến nguyên tắc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, cần phải xác định rõ: Lập quy hoạch sử dụng đất phải dựa trên những căn cứ khoa học, thực tiễn và dữ liệu chuẩn xác; theo đúng quy trình, tiến độ; khi đã được phê duyệt thì phải triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; không được điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, trừ trường hợp do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc do tác động nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu...

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 14 ý kiến phát biểu và các tham luận gửi đến Tọa đàm đã thể hiện sự tâm huyết, rất trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu. Trên cơ sở gợi ý mang tính nguyên tắc, nhất là nguyên tắc sửa đổi Luật lần này của Chủ tịch Quốc hội, nhiều ý kiến phát biểu xác đáng, bám sát, có mở rộng trên những vấn đề căn cốt nhất.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước; kế thừa Luật Đất đai 2013, tuy nhiên trong bối cảnh 10 năm qua với rất nhiều thay đổi, từ quan điểm, chủ trương, những tiếp cận mới… nên đã được đưa vào trong dự thảo.

Dự thảo Luật tổng kết những vấn đề đã chín, rõ, thuyết phục và bám sát, đầy đủ tình hình thực tiễn với nhiều vấn đề phức tạp, nổi cộm trong vấn đề đất đai. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Xuân Thắng nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là lĩnh vực chúng ta phải tháo gỡ cho được những khó khăn về mặt thể chế, về mặt luật pháp.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, với nhiều nội dung phong phú, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thành báo cáo tiếp thu tối đa, có chọn lọc gửi Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là kế thừa, đổi mới, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện…

 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết