Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Đồng euro và hành trình 20 năm mở rộng ảnh hưởng

Ngày phát hành: 31/12/2021 Lượt xem 1430

Cách đây 20 năm, khi châu Âu chuẩn bị đón chào Năm mới 2002, 12 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), với trên 300 triệu dân, đã nói lời tạm biệt các đồng tiền riêng của mỗi nước để cùng sử dụng đồng tiền chung euro.

 

Đồng tiền giấy và tiền xu euro. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Từ ngày 1/1/2002, đồng euro bản giấy và bản đồng xu, đã chính thức được phát hành sau 3 năm tồn tại dưới dạng thử nghiệm. Khi đó, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gọi đây là một cuộc chuyển đổi tiền tệ giúp "khẳng định bản thể và sức mạnh" của liên minh EU. Với những người ủng hộ đồng tiền chung châu Âu, đây không chỉ là một bước tiến lớn trong lòng tin về một liên minh đoàn kết mà còn là bước đầu thách thức vai trò nền kinh tế hàng đầu của Mỹ và sự lấn át của đồng USD. 

Tuy nhiên, 20 năm sau đêm giao thừa đáng nhớ, người dân các nước EU phải thừa nhận rằng đồng USD hiện vẫn là đồng tiền có ảnh hưởng chủ đạo. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến kinh tế toàn cầu tê liệt, giá trị đồng USD lại càng tăng mạnh do các nhà đầu tư tìm đến đồng tiền quốc tế này như một "bến đỗ an toàn". Hơn 2.100 tỷ USD đang lưu hành trên thế giới, với khoảng 60% các khoản dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương là đồng USD. Theo ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), đồng euro chiếm khoảng 20% trong các khoản dự trữ này. 

Vẫn có một thực tế phải thừa nhận rằng dù chưa tạo ra mối mối đe dọa trực tiếp với "đồng bạc xanh" nhưng đồng euro cũng đã từng bước mở rộng ảnh hưởng để trở thành đồng tiền phổ biến thứ 2 trên thế giới sau 20 năm.

Nghệ sĩ thiết kế người Áo, Robert Kalina, người tạo ra những thiết kế đầu tiên của đồng euro cho biết theo đặt hàng ban đầu các thiết kế của ông được in trên 14,5 tỷ tiền mặt mệnh giá từ 5 - 500 euro và đến nay số tiền euro lưu hành trên thế giới đã tăng gấp đôi và đến tay khoảng 350 triệu dân EU và nhiều người dân khác trên thế giới.

Trong hành trình 20 năm qua, đồng euro cũng đã vượt qua quãng thời gian thử thách lớn là vào kỷ niệm 10 năm ra đời (2012) khi khu vực đồng tiền chung Eurozone đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ.  Tiếp sau đó, ý tưởng tạo ra đồng tiền chung cho toàn khối như một công cụ gia tăng ảnh hưởng một lần nữa bị nghi ngờ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và rút Washington ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) được ký kết, các công ty EU đã nhanh chóng đổ dồn đầu tư vào Iran. Vì thế, thời điểm chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố rút khỏi thỏa thuận cũng là lúc các công ty EU nhận thấy mối nguy hiểm từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp dụng. Khi đó, EU đã tìm cách thiết lập một khung pháp lý giúp các công ty EU "né" các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, nỗ lực bất thành khi các công ty vẫn tiếp tục lo ngại những chi phí ước tính nếu vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và tầm ảnh hưởng vươn xa trên thực tế của đồng USD. Đến nay, EU vẫn chưa thống nhất được một khung pháp lý nào về vấn đề này.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí rằng "một nguyên liệu thần kỳ" hiện vẫn đang còn thiếu trong công thức giúp đồng euro gia tăng ảnh hưởng là một loại tài sản an toàn, giống như trái phiếu chính phủ Mỹ (US T-bill) vốn đã trở thành "điểm trú ẩn an toàn" của các nhà đầu tư mỗi khi thị trường dậy sóng kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, ý tưởng tạo ra một trái phiếu của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurobond) với kỳ vọng có thể sánh ngang US T-bill liên tục vấp phải sự phản đối của các nước giàu trong khu vực như Đức hay Hà Lan vì lo ngại sẽ phải thanh toán các khoản vay vốn chỉ mang lại lợi ích cho các nước đang "ngập" trong nợ công như Pháp, Tây Ban Nha hay Hy Lạp. Một số chuyên gia cho rằng thay vì tạo ra trái phiếu eurobond thì toàn khối nên hướng đến mục tiêu chung là xây dựng nền kinh tế có năng suất cao. Một nền kinh tế năng động sẽ thu hút các nhà đầu tư đến châu Âu và từ đó củng cố vị thế của đồng euro.

Ngoài ra, để đồng tiền này trở nên gần gũi hơn, các nhà chức trách EU có ý tưởng sẽ thay đổi thiết kế đồng tiền dựa trên tham khảo ý kiến từ công chúng. Giống như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, ECB cũng sẽ xem xét tạo ra đồng euro kỹ thuật số.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng đã đến lúc xem xét lại thiết kế của các đồng tiền euro sau 20 năm để hướng đến những diện mạo mới gần gũi với người dân châu Âu hơn. ECB sẽ huy động ủy ban chuyên gia thiết kế tiền mặt gồm 19 người và ý kiến công chúng trong quá trình này. Tuy nhiên, nghệ sĩ thiết kế Robert Kalina lo ngại các thiết kế mới có thể kích động những mâu thuẫn về đặc trưng mỗi quốc gia, điều mà ông đã cố gắng tránh khi thực hiện bản thiết kế gốc.

 

Lê Ánh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết