Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Giáo dục đại học: cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số

Ngày phát hành: 26/09/2021 Lượt xem 2552

 

Thời gian gần đây, việc chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong hoạt động giáo dục-đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Dưới tác động chưa từng có của đại dịch COVID-19 thì việc dạy và học chuyển sang hình thức trực tuyến, giáo viên và sinh viên phải chuyển đổi, thích ứng với việc sử dụng công nghệ mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết.

  * Xu thế tất yếu
Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế của giáo dục thế giới. Tại Việt Nam, việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến trong hệ thống giáo dục đại học đã có chủ trương, kế hoạch và lộ trình từ trước. Trước đây, một số trường đại học đã chủ động triển khai đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo tập trung truyền thống.
Hiện nay, trước tác động nghiệm trọng của đại dịch COVID-19, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để “không thể dừng việc học” được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong ngành giáo dục mà còn góp phần lan tỏa sang những lĩnh vực khác của nền kinh tế xã hội Việt Nam.
Thứ nhất, chuyển đổi số mang lại hiệu quả cho chính cơ sở giáo dục đại học, sẽ khuyến khích nhà trường xem xét lại mọi quy trình, từ các ý tưởng về quản trị, vận hành phòng ban giảng dạy, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý để sao cho gia tăng được hiệu quả trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong nhà trường. Như vậy, chuyển đổi số mang lại giá trị tích cực cho các bên liên quan, đặc biệt người học được hưởng lợi nhiều nhất.
Thứ hai, khi cơ sở giáo dục thay đổi từ phương thức truyền thống sang sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm để cùng tạo dựng nên một cơ sở dữ liệu giáo dục đại học đã được số hóa là một sự đóng góp rất lớn hỗ trợ không chỉ công tác quản trị trong nhà trường, mà còn hỗ trợ cho cả quản lý nhà nước về giáo dục đại học nói chung. Bởi vì, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như vậy, theo thời gian tích lũy thành nguồn, thành kho dữ liệu, sẽ giúp có được một cái nhìn tổng thể để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn, với nhu cầu của thị trường lao động, của nền kinh tế xã hội, bắt kịp với sự thay đổi, sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Như vậy, công tác quản lý Nhà nước cũng sẽ hiệu quả hơn.
Thứ ba, khi hệ thống giáo dục đại học gia tăng được mức độ chuyển đổi số thì cũng góp phần nâng cao được năng lực và chất lượng đào tạo, tạo ra những sản phẩm đóng góp vào những lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời góp phần thực hiện những mục tiêu kinh tế xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới của Việt Nam.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong các hoạt động giáo dục đại học
Dịch COVID-19 kéo dài gây không ít khó khăn cho ngành giáo dục, giáo dục đại học nói riêng. Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, những khó khăn này chính là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đại học diễn ra mạnh mẽ.
Hiện nay, cả nước đã có khoảng 150 cơ sở giáo dục đại học chuyển hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến để phòng chống dịch. Để làm được điều này, nhiều trường đại học đã triển khai cơ sở học liệu, xây dựng thư viện thông minh, làm cơ sở upload các tài liệu học tập để người học có thể tiếp cận qua các nền tảng trực tuyến. Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện thì các trường đại học cũng bắt đầu thay đổi cách giảng dạy của mình, đặc biệt là giảng dạy trực tuyến. Các giảng viên trong trường đại học phải thay đổi từ cách soạn bài, cách giảng dạy…. không như trước nữa. Cách quản lý cũng thay đổi theo và nó trở thành một phần của quá trình chuyển đổi số: “chuyển đổi số là khi tất cả các hoạt động đều làm từng bước, từng bước một. Hiện nay chúng ta đang làm từng phần nhỏ của nó như số hóa bài giảng điện tử, thư viện điện tử…”.
Hình thức dạy và học trực tuyến cần có sự đầu tư đồng bộ về cả phần mềm, thiết bị, con người. Đầu tiên là phần mềm, cần phải lựa chọn các phầm mềm có sự hỗ trợ tương tác cao, đặc biệt là phần thảo luận, chia nhóm, giao bài tập... Và cuối cùng là con người, việc dạy học trực tuyến đòi hỏi cả thầy và trò đều phải có thao thác thành thạo trên thiết bị, cách trình bày các nội dung mạch lạc, dễ hiểu. Hầu hết các trường đều tổ chức tập huấn cho sinh viên, giảng viên trước khi triển khai đồng bộ để đạt hiệu quả tốt nhất. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Văn Hiến, việc chuyển đổi số còn có thể thấy trong việc thay đổi các hình thức quản lý. Hầu hết các trường hiện nay đều cung cấp thông tin cho sinh viên, giảng viên thông qua các cổng portal, tại đây sinh viên, giảng viên dễ dàng quản lý các nội dung liên quan đến cá nhân như điểm trong suốt quá trình, các thông báo liên quan đến ngành học, tiến độ hoàn thành chương trình, học phí, lịch thi lịch học… rất nhanh chóng và tiện lợi. Giảng viên cũng dễ dàng quản lý các nội dung liên quan đến công việc của mình, đặc biệt là các nội dung thống kê, báo cáo, phục vụ cho việc đánh giá chất lượng dạy và học sau mỗi kỳ.
Những ngày này, hàng chục nghìn tân sinh viên của các trường đại học làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, khác với những năm học trước, phần lớn các em nhập học và nộp hồ sơ trúng tuyển bằng hình thức trực tuyến. Như Trường đại học Thủy lợi đã xây dựng quy trình nhập học trực tuyến theo địa chỉ nhaphoc.tlu.edu.vn với mô tả chi tiết từng bước, có video hướng dẫn và số điện thoại hỗ trợ cho các tân sinh viên. Trường cũng triển khai các hoạt động đầu khóa học bằng hình thức trực tuyến, đồng thời xây dựng hệ thống LMS để quản lý, giảng dạy trực tuyến triển khai từ năm học 2021-2022.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho biết, năm học mới 2021-2022 mọi hoạt động của trường đều diễn ra trực tuyến. Với hơn 10 nghìn sinh viên, trường đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền Leased Line, wifi... Trường còn đẩy mạnh tương tác trên mạng, phát huy sáng kiến của giảng viên và sinh viên.
Giám đốc Trung tâm thông tin thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, hệ thống học liệu số của đơn vị đã phủ kín các ngành học của Đại học Quốc gia Hà Nội. Bước vào năm học mới 2021-2022, Trung tâm có 268.805 học liệu số và hơn 114.000 học liệu in phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu. Trong 20 tháng chịu tác động của dịch COVID-19 vừa qua, riêng kho học liệu số trên ứng dụng di động của Trung tâm đã có hơn 102.000 sách, giáo trình số... Số lượng người học, nghiên cứu truy cập tài nguyên số cũng tăng lên không ngừng; năm 2020 có hơn 26 triệu lượt người tương tác (xem, tải, tìm kiếm học liệu số); tám tháng năm 2021 lượt truy cập là 19 triệu lượt.

Những thách thức đặt ra đối với chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Mới đây, tại Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và Giáo dục đại học: Khi thách thức là cơ hội”, các chuyên gia đã cùng nhận diện những thách thức và cơ hội của giáo dục đại học trong thời đại số. Tuy đã có những chuyển biến tích cực, chuyển đổi số trong giáo dục đại học còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện. Đó là khắc phục tình trạng hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh. Vấn đề xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) còn phát triển tự phát, chưa đi vào nề nếp và thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập. Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.
Theo GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trên cơ sở quy định pháp lý chung cho chuyển đổi số, cần hoàn thiện quy định chuyên ngành cụ thể. Trong giáo dục cần quy định chương trình học trực tuyến, thời lượng học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng học trực tuyến, công nhận kết quả học trực tuyến (khác với học truyền thống); quy định điều kiện tổ chức lớp học, trường học trên môi trường mạng, kể cả ngắn hạn và dài hạn.
Còn GS, TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, sự sẵn sàng thay đổi thực tế đối với đội ngũ giảng viên, nhà trường đôi khi lại khó hơn đối với sinh viên và học sinh. Do đó, trở ngại lớn nhất không phải là về công nghệ mà là trở ngại về yếu tố con người có sẵn sàng đón nhận thay đổi hay không. Giáo dục đại học cần có đầu tư xứng đáng và có quyết tâm với công cuộc chuyển đổi số.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục khẳng định, để đảm bảo chất lượng giáo dục trong quá trình chuyển đổi số, cần thực hiện điều này theo một lộ trình đồng bộ, đặc biệt về công tác quản trị, quản lý dữ liệu liên quan đến ngành giáo dục (học liệu, dữ liệu giáo viên, dữ liệu người học…); cần xây dựng hệ thống chính sách rõ ràng ngay từ đầu về điều kiện đảm bảo cho hoạt động dạy và học trực tuyến như: Chính sách đảm bảo về thiết bị học cho học sinh học online; chính sách quản lý và hỗ trợ các hoạt động giáo dục trực tuyến; chính sách về số hóa học liệu, quản lý và bảo vệ học liệu online.
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi số trong một cơ sở giáo dục – nhất là trường đại học là quá trình đổi mới tự thân để đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của trường và đáp ứng tốt hơn cho người học. Bởi vậy, “Thích nghi, đẩy mạnh tự chủ, tiếp tục lộ trình đổi mới”… là những từ khóa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021. Riêng với từ khóa “thích nghi”, Bộ trưởng yêu cầu giáo dục đại học cần tiếp tục khắc phục khó khăn để tiếp tục lộ trình đổi mới, trong đó, cần tăng cường các giải pháp thích nghi với điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, thực hiện chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, kiên trì mục tiêu chất lượng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: giáo dục đại học phải đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, qua đó hỗ trợ cho bậc học phổ thông và giáo dục địa phương. Các cơ sở đào tạo cần hợp tác chặt chẽ, cùng xây dựng và chia sẻ sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập và hệ thống quản trị, quản lý nhà trường./.
                                    

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết