Năm 2015, gần như tất cả các quốc gia trên hành tinh này đã tham gia ký kết Hiệp định Paris, trong đó kêu gọi hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu "dưới ngưỡng" 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, nếu có thể thì ở mức 1,5 độ C.
Các cam kết đầu tiên khi ký hiệp định, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ vẫn khiến Trái đất nóng hơn 3 độ C so với thời tiền công nghiệp, nhưng các nước đã cam kết tăng cường cắt giảm khí thải và sửa đổi mục tiêu này 5 năm/lần.
Khi gần đến thời hạn chót ngày 31/12/2020, một số nước thải nhiều khí cho biết sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải trong thế kỷ này, nhưng nhiều nước đã đi qua hạn chót trên mà không công bố chi tiết các cam kết ngắn hạn mới của mình. Hầu hết các cam kết - gọi là "Những đóng góp quyết định của quốc gia" (NDC) - được các nước đặt ra đến năm 2030, trong đó rất ít nước (có Mỹ) dừng lại ở năm 2025.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), đến ngày 1/1/2021, chỉ khoảng 70 trong số 200 quốc gia đã đưa ra các mục tiêu mới, trong đó có Việt Nam. Một số nước đổ lỗi sự trì hoãn này là do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu đặc biệt mong chờ kế hoạch mới nhất của Trung Quốc - nước thải khí nhiều nhất thế giới. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra các tham vọng mới nhằm đạt mục tiêu trung hòa CO2 vào năm 2060. Nhưng nước này hiện vẫn chưa chính thức trình các đề xuất mục tiêu mới của mình.
Một nước khác cũng bỏ lỡ hạn chót nói trên là Mỹ - nước thải khí nhiều thứ hai thế giới và đã rút khỏi Hiệp định Paris. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết trung hòa CO2 vào năm 2050 và trở lại các cam kết của Hiệp định.
Các NDC được đệ trình đúng hạn sẽ được Công ước LHQ về biến đổi khí hậu theo dõi và đánh giá tiến bộ vào ngày 21/2. Bức tranh toàn cảnh sẽ rõ hơn vào cuối năm nay, tại một hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu ở Glasgow (Scotland), hội nghị từng bị hoãn lại hồi tháng 11.
LHQ ước tính cần cắt giảm 7,6% khí thải mỗi năm trong vòng 10 năm tới nếu muốn giới hạn độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Bề mặt Trái đất đã nóng lên trung bình gần 1,2 độ C, làm nghiêm trọng hơn các hiện tượng khí hậu cực đoan và gây thương vong nhiều hơn.
Trong thông điệp mừng Năm mới 2021, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm trung hòa khí thải vào giữa thế kỷ này sẽ là "tham vọng chính" của LHQ trong năm 2021. Mọi chính phủ, thành phố, doanh nghiệp và cá nhân đều có thể tham gia vào việc đạt được tầm nhìn này.
Theo TTXVN