Hỗ trợ nông hộ nhỏ - chìa khóa để chống biến đổi khí hậu và chấm dứt nạn đói
Thế giới hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và chấm dứt nạn đói vào năm 2030, nếu các nhà tài trợ và các quốc gia đang phát triển hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, tiếp cận hệ thống tưới tiêu và tham gia hệ thống an sinh xã hội. Đây là nhận định của một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đưa ra ngày 12/10.
Trong báo cáo, nhóm Ceres2030 - tập hợp các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell (Mỹ), Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) và Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD), đã nêu 10 giải pháp chuyển đổi then chốt có thể giúp gần 500 triệu người thoát khỏi nạn đói, 545 triệu hộ nông dân canh tác nhỏ ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng gấp đôi thu nhập, cũng như giúp hạn chế phát thải nông nghiệp. Trong số các khuyến nghị có đầu tư vào khuyến nông để khuyến khích canh tác cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu và hỗ trợ nông dân nghèo tham gia các hội nông dân để giúp cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, nguồn nước và điều kiện đất đai.
Các chuyên gia cho biết những chuyển đổi này đòi hỏi tăng kinh phí thêm 33 tỷ USD mỗi năm, trong đó cần đến 14 tỷ USD từ các nhà tài trợ và số còn lại do các nước đang phát triển cung cấp. Đồng trưởng nhóm Ceres2030, bà Carin Smaller, nhận định đây là số tiền "tương đối khiêm tốn" so với ngân sách của các quốc gia dành cho ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, và số tiền này sẽ "có tiềm năng mang lại lợi nhuận khổng lồ".
Theo số liệu của Liên hợp quốc công bố năm 2019, gần 690 triệu người (tương đương gần 9% dân số thế giới) phải nhịn đói đi ngủ mỗi tối. Bà Smaller cho rằng con số này tăng thêm 96 triệu người trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, một báo cáo công bố năm 2018 trên tạp chí Science cho thấy khí thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 25% tổng lượng khí thải gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu, và sản lượng lương thực tăng là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng và gia tăng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Ceres2030 cho rằng hai vấn đề này có thể giải quyết thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính để phát triển kinh tế trang trại, tìm đầu ra cho nông sản và đảm bảo nông dân được tiếp cận các mạng lưới an sinh xã hội cơ bản. Theo bà Smaller, các chương trình bảo trợ xã hội sẽ đảm bảo nông dân có mức vốn tối thiểu để có thể áp dụng các công nghệ xanh và những kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường, giúp nâng cao năng suất mà không gây hại đến thiên nhiên.
Ceres2030 là tổ chức kết hợp giới học thuật, xã hội dân sự và các nhà kinh tế có chung tầm nhìn về một thế giới không có nạn đói, nơi các nhà sản xuất quy mô nhỏ được hưởng thu nhập và năng suất nông nghiệp cao hơn theo cách hỗ trợ hệ thống lương thực bền vững. Nhóm này hoạt động dưới sự tài trợ của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) và Quỹ Bill & Melinda Gates, là cầu nối cung cấp cho cộng đồng các nhà tài trợ một danh sách lựa chọn chính sách để định hướng đầu tư./.
Hồng Minh (TTXVN)