Thứ Ba, ngày 07 tháng 01 năm 2025

Hồi chuông cảnh báo về môi trường khi nắng nóng tiếp tục “thiêu đốt” châu Âu

Ngày phát hành: 26/07/2019 Lượt xem 1364


          Đợt nắng nóng thứ hai trong mùa Hè năm 2019 với nhiệt độ được ghi nhận ở mức cao kỷ lục lại tiếp tục “thiêu đốt” các nước châu Âu. Đợt nắng nóng này đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân châu Âu đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề môi trường, khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường, với hậu quả nghiêm trọng hơn.

          Đợt nắng nóng mới

          Khu vực Tây Âu đang chìm trong thời tiết nắng nóng như thiêu đốt. Các chuyên gia cho biết, đợt nắng nóng này không quá dài nhưng ảnh hưởng tới nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ, Luxembourg hay Hà Lan.

          Tại Đức, Trung tâm Dịch vụ thời tiết của Đức (DWD) cảnh báo về việc thời tiết nắng nóng đã quay trở lại nước này, theo đó trong ngày 24 và 25-7, nhiệt độ tại nhiều khu vực có thể đạt mức trên 40 độ C, có nơi đến 41 độ C.

          Theo số liệu từ DWD, tính từ năm 1881 đến nay, nhiệt độ trung bình hàng năm tại Đức đã tăng 1,3 độ C. Những đợt nắng nóng như hồi cuối tháng 6 vừa qua có thể cao hơn 5 lần so với 50 năm trước, ngưỡng nhiệt độ cao kỷ lục đo được trong thời gian này đã vượt qua kỷ lục nắng nóng được ghi nhận từ năm 1947.

 

          Tại Pháp, từ ngày 22-7, 21 tỉnh từ khu vực miền Tây - Nam tới những vùng miền Đông - Trung nước Pháp đã được cảnh báo mức cam về nắng nóng, trong khi nền nhiệt trung bình ở thủ đô Paris đã ghi nhận mức 30 độ C và nhiều khả năng lên tới 40-41 độ C vào ngày 25-7.

          Các dự báo cũng cho thấy sự gia tăng nhiệt độ cũng diễn ra tại Anh, song "Đảo quốc sương mù" vẫn là nơi mát mẻ nhất lục địa. Cơ quan Khí tượng Anh dự báo nhiệt độ tại nước này trong ngày 25-7 có thể vượt mức kỷ lục 38,5 độ C - từng được ghi nhận tại Faversham hồi tháng 8-2004.

          Tại Hà Lan, quốc gia Tây Âu này đã phải trải qua một ngày nắng nóng kỷ lục ngày 24-7, với nhiệt độ đo được lên tới 38,8 độ C. Theo Viện Khí tượng Hà Lan, nhiệt độ nghi nhận được tại vùng Gilze-Rijen ở miền Nam đã đạt mức cao nhất 75 năm qua.

          Tại Bỉ, các nhà khí tượng học Bỉ cũng đã thông báo mức nhiệt độ cao kỷ lục 39,9 độ C trong ngày 24-7. Tại căn cứ quân sự Kleine-Brogel, cách thủ đô Brussels 100 km về phía Đông Bắc và gần với biên giới Hà Lan, nhiệt độ ghi nhận được tại đây lên tới 39,9 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi mốc nhiệt độ cao nhất tại Bỉ được lưu lại vào năm 1833. Các nhà khí tượng cũng cảnh báo nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng lên trong ngày 25-7. Nước Bỉ đã được đặt trong tình trạng  báo động đỏ vì thời tiết nắng nóng ở mức kỷ lục đến hết ngày 28-7.

          Trong khi đó, nhiệt độ tại Luxembourg cũng được dự báo có thể vượt mức kỷ lục trước đó là 38,6 độ C.

 

          Ảnh hưởng nghiêm trọng

          Nắng nóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, kéo theo đó là các vấn đề về y tế và xã hội. Người già và trẻ em là những đối tượng cần nhận được nhiều sự chăm sóc hơn trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Mệt mỏi vì nắng nóng, năng suất của người lao động cũng sẽ giảm, nhất là những lao động phải làm việc ngoài trời trong thời gian dài.

          Nguy cơ đuối nước đã tăng cao, vì nhu cầu tắm tại các sông, hồ của người dân tăng mạnh khi nắng nóng. Do nắng nóng, nên người dân từ Pháp đến Na Uy đều tìm cách "hạ nhiệt" tại các sông, hồ, khiến tỷ lệ đuối nước gia tăng. Tại London, Anh, cảnh sát đang tìm 3 người bị mất tích trên sông Thames khi đang bơi.           

          Nắng nóng cũng luôn đi kèm với nguy cơ dẫn đến các vụ cháy. Nhiều vụ cháy cũng đã xảy ra tại miền Nam nước Bỉ khi nhiệt độ đôi khi lên đến 40 độ C tại một số địa điểm. Đặc biệt thời điểm nắng nóng và khô hạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp khi hạn hán cùng mức nhiệt cao đã gây cháy tại một số cánh đồng và trang trại. Tại tỉnh Antwerp phía Bắc của Bỉ, một đám cháy rừng xảy ra ngày 24-7, lực lượng cứu hỏa đã được điều đến xử lý và tình hình đã được kiểm soát. Thiệt hại do các đợt cháy rừng gây ra không chỉ nằm ở vấn đề kinh tế, mà góc độ môi trường cũng hết sức đáng ngại, khi nguy cơ ô nhiễm khói bụi lan đến các thành phố, ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đã nâng cảnh báo cháy rừng lên mức cực kỳ nguy hiểm.

          Châu Âu đang theo đuổi nhiều dự án điện Mặt Trời lớn, nhưng nắng nóng cũng không mang lại lợi ích trong việc sản xuất điện trong trường hợp này. Cường độ chiếu sáng là yếu tố quan trọng, nhưng thời gian chiếu sáng mới là yếu tố quyết định sản lượng điện của các nhà máy điện Mặt Trời. Nhiệt độ quá cao sẽ làm giảm hiệu suất của các tấm pin quang điện. Việc trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ năng lượng tái tạo tại Đức đạt mức cao kỷ lục 44% trong tổng sản lượng điện, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, không phản ánh rõ ràng lợi ích từ nắng nóng, mà chủ yếu do gió. Tỷ lệ tăng trưởng của điện mặt trời trong năm 2019 chỉ ở mức khoảng 4% so với 2018, trong khi điện gió tăng trưởng lên đến hơn 20%.

          Nắng nóng đi kèm với hạn hán trở thành kẻ thù của ngành nông nghiệp. Sản lượng nông nghiệp có nguy cơ bị sụt giảm khi nắng nóng kéo dài, buộc các chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ về tài chính cho người nông dân. Tăng trưởng kinh tế cũng bị tác động, không chỉ vì ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng do nắng nóng, mà các dòng sông cạn nước cũng tác động đến khả năng chuyên chở nguyên vật liệu cũng như hàng hóa. Tại Pháp, trong bối cảnh nắng nóng khiến mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, giới chức nước này đã hạn chế việc sử dụng nước tại 73 trong số 96 khu vực hành chính, đồng thời kêu gọi người dân tránh để lãng phí nước.

          Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến chất lượng của cơ sở hạ tầng. Dưới cái nóng như thiêu đốt, mặt đường trải thảm nhựa trở nên mềm hơn, và có nguy cơ xảy ra tai nạn khi các xe di chuyển với tốc độ cao. Trên nền đường yếu, các xe tải trọng lớn có thể tạo ra các vết lồi lõm lớn, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Chính vì thế, một số bang ở Đức đã phải tạm thời hạn chế tốc độ trên các đường cao tốc liên bang.

          Cuộc sống của người dân châu Âu đã bị đảo lộn khi các chuyến tàu bị giảm chuyến. Công ty điều hành mạng lưới đường sắt của Anh Network Rail cho biết đang giảm các chuyến tàu để đối phó với thời tiết cực đoan. Theo Network Rail, nắng nóng có thể khiến dây điện phía trên tàu bị chùng xuống và hư hại nếu tàu chạy nhanh. Nhiều tuyến đường sắt của Bỉ cũng đã rơi vào tình trạng rối loạn do nắng nóng gây ra. Ngày 24-7, một đoàn tàu cao tốc Eurostar đi London, Anh, và một tàu cao tốc khác là Thalys đi Pháp đã phải dừng giữa đường do một đoạn cáp điện đã bị đứt ngay bên ngoài thủ đô Brussels. Tình hình cơ bản được khắc phục vào tối cùng ngày, tuy nhiên nhiều chuyến tàu đã bị chậm trễ. Cơ quan Đường sắt của Bỉ dự kiến tạm ngừng không khai thác các đoàn tàu chạy dầu diesel tại vùng Đông Bắc gần biên giới Hà Lan do lo ngại nhiệt độ cao có thể gây ra những sự cố kỹ thuật.

 

          Hồi chuông cảnh báo

          Những đợt nóng kỷ lục và bất thường trong mùa Hè năm 2018 và 2 đợt nắng nóng liên tiếp trong mùa Hè năm 2019 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề môi trường, khi biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Tròn 30 năm sau khi những cảnh báo về các tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu được đưa ra, tình trạng thải khí CO2 đã đạt đến những kỷ lục vào năm 2017 và 2018. Càng ngày người ta càng nghe thấy nhiều hơn những tin tức giật mình về đợt nắng nóng đến gần 50 độ C ở Australia, hay lên tới 41 độ C ở những xứ lạnh như Canada và Mỹ làm nhiều người tử vong, những trận siêu bão biến mọi thứ trở thành hoang tàn ở Philippines, Indonesia... hoặc những đợt cháy rừng khủng khiếp tàn phá Mỹ, Hy Lạp, Thụy Điển, Italy…, và cả những đợt núi lửa phun trào, động đất, sóng thần ở nhiều nước châu Á… Năm 2018, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu rạn nứt. Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra đang cản trở những nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng như làm xói mòn những thành tựu đạt được trong lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ). Đáng lo ngại hơn, các chuyên gia đều nhận định rằng việc thải ra bầu khí quyền lượng lớn CO2 như hiện nay sẽ khiến hành tinh của chúng ta không còn là nơi con người có thể sinh sống.

          Thực tế cho thấy, châu Âu đã có nhiều nỗ lực chung tại các hội nghị của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP), đặc biệt trong việc bảo vệ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được tại COP 21 vào năm 2015. Tuy nhiên, dường như khoảng cách giữa lời nói và hành động vẫn còn khá lớn. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 kêu gọi giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C, nhưng hành tinh của chúng ta hiện đang trên đà nóng lên gấp đôi con số này. Các tổ chức khí tượng và môi trường của LHQ dự báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm từ 3-5 độ C trong thế kỷ XXI, vượt xa so với mục tiêu hạn chế ở mức 1,5 - 2 độ C theo Hiệp định Paris.

          Chính vì điều này mà trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cuối tháng 5 vừa qua, khối đảng Xanh theo đường lối bảo vệ môi trường đã đạt được những thắng lợi rất đáng kể.

          Đợt nắng nóng thứ hai xuất hiện tại châu Âu chỉ trong 2 tháng qua cũng một lần nữa làm gia tăng quan ngại về các hoạt động của con người như khói thải của các loại phương tiện giao thông, bụi bẩn từ các công trường, khói độc từ các nhà máy điện, khói củi, than ở các hộ gia đình, khói thuốc lá, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh … đang "thiêu đốt" hành tinh../.

 

                                                                                                                                                                                  TTXVN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả Nguyễn Ngọc Quyên

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết