Thứ Ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024

Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu, khảo sát tại Nhà nước Ca-Ta và Cộng hòa Nam Phi

Ngày phát hành: 14/10/2024 Lượt xem 173

 Ngài Abdulazic bin Mubarak Al Khalifa, Tổng Thư ký Hội đồng tiếp, làm việc với Đoàn.

 

Triển khai kế hoạch công tác, vừa qua, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng, làm Trưởng đoàn, đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát tại Nhà nước Ca-ta và Cộng hòa Nam Phi nhằm tìm hiểu kinh nghiệm phát triển, quản trị quốc gia trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống (biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trí tuệ nhân tạo…), công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa quốc gia, chính sách dân tộc, tôn giáo… 


1. Tại Nhà nước Ca-ta, Đoàn đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với Hội đồng Kiến thiết Quốc gia Ca-ta; Hội đồng Nghiên cứu, Phát triển và Sáng tạo Ca-ta; Viện Nghiên cứu sau đại học Doha; đồng thời, nghiên cứu, khảo sát tại một số địa điểm văn hóa, xã hội của Ca-ta. Đồng chí Nguyễn Huy Hiệp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhà nước Ca-ta tham gia các hoạt động của Đoàn.


Tại buổi làm việc với Hội đồng Kiến thiết Quốc gia Ca-ta, Ngài Abdulazic bin Mubarak Al Khalifa, Tổng Thư ký Hội đồng trao đổi với Đoàn về kinh nghiệm quản trị quốc gia của Ca-ta thời gian qua; đặc biệt là công tác xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển quốc gia đến năm 2030 nhằm hiện thực hóa Tài liệu Tầm nhìn quốc gia Ca-ta đến năm 2030 (ban hành năm 2008), khái quát từng giai đoạn phát triển của đất nước qua các giai đoạn 05 năm (2011-2016, 2018 - 2022) với mục tiêu phát triển bền vững và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. 


Ngài Tổng thư ký Hội đồng Kiến thiết Quốc gia Ca-ta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra các mục tiêu cụ thể, giám sát chặt chẽ việc triển khai để đạt được các mục tiêu đó; chia sẻ tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực (đặc biệt là liên kết khu vực, quốc tế tự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại Ca-ta) và đầu tư phát triển khoa học, công nghệ trong bối cảnh hiện nay. Ca-ta đang tập trung hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể đã đặt ra cho Chiến lược phát triển quốc gia lần thứ ba, giai đoạn 2024 - 2030. 


Chiến lược phát triển trong giai đoạn mới xác định các sáng kiến đổi mới để phát triển kinh tế một cách bền vững, duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động và thay đổi nhanh chóng. Một số điểm nhấn của Chiến lược là: (1) ưu tiên và tạo ra một môi trường thân thiện với nhà đầu tư và doanh nghiệp hàng đầu, biến Qatar trở thành điểm đến được ưa chuộng cho đầu tư nước ngoài và nhân tài; (2) cung cấp cho người dân các kỹ năng cần thiết để thành công, trở thành lực lượng lao động có tính cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới; (3) hỗ trợ sự gắn kết gia đình và phản ánh niềm tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hóa cũng như bản sắc dân tộc; (4) duy trì chất lượng cuộc sống cao cho người dân, phân bổ hợp lý thành tựu phát triển và đảm bảo rằng người dân cảm thấy được đánh giá cao vì những đóng góp của họ cho hành trình phát triển quốc gia…


Tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu sau đại học Doha, TS. Abdelwahab El Affendi, Chủ tịch Viện, giới thiệu về hoạt động đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế của Viện thời gian qua; nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đến sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là việc khẳng định, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. 
TS. Abdelwahab El Affendi thông tin sẵn sàng cấp học bổng cho học viên Việt Nam sang học Thạc sĩ các ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Viện (chương trình giảng dạy bằng tiếng A-rập) và mời học viên Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo tiếng A-rập của Viện.



Lãnh đạo Viện nghiên cứu sau đại học Doha tiếp, làm việc với Đoàn.


Tại buổi làm việc với Hội đồng Nghiên cứu, Phát triển và Sáng tạo Ca-ta, Bà Nejoud Al-Jehani, Giám đốc cấp cao về Kế hoạch và Đánh giá Chính sách thông tin cho Đoàn về một số chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, trong đó nhấn mạnh chức năng xây dựng các chương trình, kế hoạch quốc gia nhằm tối ưu hóa lợi ích từ các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo (RDI) của Ca-ta và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bao trùm của đất nước. Hội đồng đã tập hợp được những chuyên gia trong nước và quốc tế hàng đầu, từ các cơ quan chính phủ, học viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… Cách làm sáng tạo của Hội đồng là đăng tải trên trang thông tin của Hội đồng việc mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới tham gia cạnh tranh triển khai các dự án nghiên cứu do Chính phủ Ca-ta tài trợ kinh phí nhằm giải quyết các vấn đề phát triển đặt ra của Ca-ta. Hội đồng nghiên cứu, Phát triển và Sáng tại Ca-ta bày tỏ mong muốn Việt Nam và Ca-ta tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, nhà khoa học trên một số lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm trong thời gian tới.

Đoàn làm việc tại Hội đồng Nghiên cứu, Phát triển và Sáng tạo Ca-ta


2. Tại Cộng hòa Nam Phi, Đoàn đã có các buổi làm việc với Ban Nghiên cứu và Chính sách của Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC), Trường Đại học quốc gia Nam Phi (UNISA), và Ủy ban Quản trị hợp tác và các vấn đề truyền thống của Quốc hội Nam Phi. Đồng chí Hoàng Sĩ Cường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nam Phi tham gia các hoạt động của Đoàn.


Tại trụ sở Ban Nghiên cứu và Chính sách ANC, đồng chí Fébé Potgieter-Gqubule, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban đã tiếp, làm việc với Đoàn; thông tin với Đoàn về hệ thống chính trị của Nam Phi, tình hình và quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của Nam Phi trong hơn 30 năm qua, đặc biệt là kết quả triển khai Chương trình tái kiến thiết và phát triển quốc gia từ năm 1994 đến nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ANC, Nam Phi đã đạt được những thành tựu phát triển đáng ghi nhận, từng bước khắc phục những vấn đề mà chế độ a-pác-thai gây ra cho Nam Phi, đặc biệt là thu hẹp khoảng cách phát triển với người da trắng. Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng chí Fébé Potgieter-Gqubule thông tin Đảng ANC đang tiếp tục cải tổ, đổi mới để giành lại niềm tin của cử tri và lãnh đạo Nam Phi phát triển ngày càng bền vững thời gian tới. 



Lãnh đạo Ban Nghiên cứu và Chính sách ANC tiếp, làm việc với Đoàn


Đồng chí Fébé Potgieter-Gqubule cũng trao đổi với Đoàn về chính sách đối ngoại và gợi mở một số phương hướng tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước trong thời gian tới.


Tại buổi làm việc với UNISA, TS. Angeline Magabane, Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác cùng với đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của UNISA đã trao đổi học thuật với Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương về kinh nghiệm phát triển, quản trị quốc gia; đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác quản trị quốc gia dưới tác động của các thách thức an ninh truyền thống đan xen với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI)…

 


Đoàn làm việc tại Đại học quốc gia Nam Phi.


Tại buổi làm việc với Ủy ban Quản trị hợp tác và các vấn đề truyền thống của Quốc hội Nam Phi, TS. Zweli Mkhize, đại biểu quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban, thông tin với Đoàn về hệ thống chính trị của Cộng hòa Nam Phi, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ủy ban nói riêng và của Quốc hội Nam Phi nói chung; đặc biệt là công tác xây dựng luật pháp và giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp…

 


Đoàn làm việc tại Ủy ban Quản trị hợp tác và các vấn đề truyền thống của Quốc hội Nam Phi 


Trong các buổi làm việc, đồng chí Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Thành thông tin với các đối tác về những thành tựu phát triển của Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu những thành tựu phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với 8 đặc trưng, 8 phương hướng, 10 mối quan hệ lớn và 03 trụ cột. Đồng chí Trưởng đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương cảm ơn các cơ quan đối tác Ca-ta và Nam Phi đã đón tiếp, chia sẻ thông tin với Đoàn; giao các thành viên công tác nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu phục vụ công tác tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương.


Các đối tác Ca-ta và Nam Phi bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; ấn tượng với những thành tựu phát triển của Việt Nam thời gian qua và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều phát triển vượt bậc trong thời gian tới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong thời gian công tác, Đoàn đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-ta và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi./.

 

Ngọc Tuấn

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết