Hội nghị COP26: Mỹ và UAE công bố sáng kiến hỗ trợ ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày 2/11, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã khởi động các nỗ lực nhằm huy động vốn đầu tư giúp ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26), Mỹ và UAE đã phát động Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp vì khí hậu (AIM for Climate). Sáng kiến này đã được sự ủng hộ của hơn 30 quốc gia cùng 40 tổ chức phi chính phủ, với tổng mức đóng góp là 4 tỷ USD. Mục tiêu của "AIM for Climate" là tăng cường và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển đổi mới toàn cầu (R&D) cho nông nghiệp và hệ thống thực phẩm nhằm hỗ trợ hành động vì khí hậu.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, khủng hoảng khí hậu đe dọa phá vỡ hệ thống lương thực toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có thêm đầu tư nhằm giúp ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Do đó, các nước tham gia sáng kiến "AIM for Climate" cam kết tăng cường đầu tư công và tư cho "nông nghiệp thông minh với khí hậu" tại mỗi nước. Các quỹ hiện có, do mỗi nước quản lý, sẽ được đầu tư cho nghiên cứu giảm phát thải trong nông nghiệp, tăng cường đa dạng sinh học và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong động thái riêng rẽ, Quỹ Bill & Melinda Gates cam kết đóng góp 315 triệu USD cho Liên hiệp các Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) để giúp các hộ nông dân nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua các giống cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu cũng như các dịch vụ dự báo thời tiết.
Nông nghiệp vốn là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Mỹ, song đang phải chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng thời tiết thất thường, hạn hán, lũ lụt gia tăng. Là nước có phần lớn lãnh thổ là sa mạc, UAE đã tích cực phát triển công nghệ nhằm tăng sản lượng lương thực./.
Hoàng Châu (TTXVN)