Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Hội thảo khoa học "“Những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”

Ngày phát hành: 30/09/2022 Lượt xem 655

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu khai mạc hội thảo

 

Thực hiện kế hoạch triển khai xây dựng Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, ngày 30-9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có nhiệm vụ phân tích khách quan, khoa học kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất quan điểm, định hướng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá về chính sách xã hội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

 

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, chính sách xã hội đã từng bước được hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả, phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nhờ đó đã mang lại kết quả tích cực trong giải quyết vấn đề xã hội: “Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở xã hội được quan tâm; đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng; đang tích cực triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”[1].

 

Đặc biệt, trong điều kiện đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát từ năm 2020, đã gây ra nhiều thiệt hại cho đất nước ta cả về kinh tế và xã hội, nhưng nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, Việt Nam đã từng bước không những kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh mà còn nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, thu nhập thấp, qua đó góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh phát triển mới như: sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những tác động từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu và những thách thức của môi trường quốc tế cạnh tranh, xung đột, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển đất nước nói chung, đến giải quyết các vấn đề xã hội nói riêng.

 

Để tiếp tục đổi mới, hướng đến phát triển bền vững cần có những bước đột phá toàn diện về chính sách xã hội, cả về cơ sở pháp lý, quản trị và cung cấp dịch vụ đầy đủ, chất lượng tương thích với trình độ phát triển kinh tế là rất cần thiết và chính việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ là cơ sở, điều kiện và động lực cho phát triển kinh tế.

 

Sau phát biểu khai mạc của lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương và Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và đề dẫn hội thảo, với tinh thần trách nhiệm, khách quan, khoa học, các nhà khoa học đã tham gia góp các ý kiến, tập trung vào một số vấn đề:

 

- Đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện nghị quyết TW 5 hơn 10 năm qua, chỉ rõ nguyên nhân của kết quả và hạn chế và bài học kinh nghiệm.

- Phân tích làm rõ sự phát triển nhận thức lý luận về chính sách xã hội của Đảng.

- Phân tích rõ những bước chuyển về quan điểm đầu tư cho chính sách xã hội và các nguồn lực cho thực hiện các chính sách xã hội này và đánh giá tác động của nó đến thực tế triển khai chính sách.

- Phân tích kinh nghiệm thế giới, chỉ rõ những cái chung, cái phổ quát trong chính sách xã hội của các quốc gia mà Việt Nam đã, đang và sẽ có thể tham khảo, vận dụng, đồng thời chỉ ra những đặc thù trong chính sách xã hội của Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong quá trình hiện thực hoá nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

- Phân tích bối cảnh mới của tình hình (CMCN 4.0 cùng với đó là những vấn đề như biến đổi khí hậu, vấn đề dịch bệnh, vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống…) đang tác động như thế nào tới việc giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam, cả về cơ hội và thách thức.

- Quan điểm giải quyết các vấn đề xã hội từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045, và các giải pháp có tính chất đột phá cho giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra.

 

Những ý kiến phát biểu tâm huyết tại Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề mới, bức thiết đang đặt ra. Đây chính là những tham vấn quan trọng, thiết thực giúp cho Hội đồng Lý luận Trung ương trong việc xây dựng Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, phục vụ cho việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Đảng./.

 

PV



[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr.65-66.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết