Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Hội thảo “Phát triển địa phương: Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữ các địa phương”.

Ngày phát hành: 14/10/2021 Lượt xem 702

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo. 

 

Chiều 13/10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phát triển địa phương: Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữ các địa phương” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự, chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo với Thủ tướng có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Hội thảo được kết nối trực tuyến giữa điểm cầu Hà Nội với đầu cầu 63 Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. 

 

Dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam; đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học. Dự tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là hội thảo thiết thực và có nhiều ý nghĩa nhằm triển khai, cụ thể hoá các kết luận rất quan trọng của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư bế mạc ngày 7-10 vừa qua về một số vấn đề kinh tế-xã hội trên tinh thần mới, đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Hội thảo cũng là dịp để các địa phương cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả; vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái “bình thường mới”.

 

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam phát biểu.  

 

Trong hơn một năm qua, với nỗ lực to lớn, tinh thần quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, bằng các giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời và đồng bộ, Việt Nam đã kiểm soát tốt sự lây lan, phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và duy trì phát triển kinh tế - xã hội, vẫn là một điểm sáng trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, tác động của đại dịch đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị chệch ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng, hiện đang ở mức thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tiềm năng và nếu không được khắc phục sớm, bản thân quỹ đạo tăng trưởng này có nguy cơ bị đảo chiều, có thể bị chuyển xuống mức tăng trưởng tiềm năng thấp hơn. Đại dịch lần này đã làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu gồm: đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do đột ngột ngưng cung lao động; đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistics; đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp...

 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng, trình bày trình bày báo cáo phục hồi kinh tế, thích ứng với đại dịch 2021 - 2023. Theo đó, với quan điểm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, báo cáo khuyến nghị cần nhanh chóng khắc phục khó khăn của nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực. Trong đó, có đầu tư công, phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm, ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng bao gồm cả các động lực tăng trưởng mới…

 

Bộ trưởng cũng đưa ra khung giải pháp gồm 6 chương trình hợp thành và 2 nhóm giải pháp quản trị rủi ro, thông tin, tuyên truyền. 6 chương trình thành phần gồm: Chương trình tổng thể về phòng chống Covid -19 và thúc đẩy mở cửa nền kinh tế; Chương trình phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; Chương trình phục hồi doanh nghiệp; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư; Chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; Chương trình cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Dự kiến nguồn lực thực hiện từ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ ngoại hối, nguồn vốn của doanh nghiệp, PPP, nguồn huy động khác… Về Ngân sách nhà nước, tăng cường tiết kiệm chi, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi, phát hành công trái Quốc gia, trái phiếu Chính phủ, các nguồn lực do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

 

Trên tinh thần đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tại Hội thảo, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội và những kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khắc phục đứt gãy kinh tế, phối hợp hành động để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới.

 

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả; vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi "mục tiêu kép" trong trạng thái “bình thường mới”. Nhiều kinh nghiệm về đảm bảo năng lực y tế, đảm bảo an sinh xã hội, sự phối hợp giữa các địa phương... đã được các đại biểu trao đổi. 

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự hội thảo. 

 

Tham dự Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều ý kiến thể hiện sự lạc quan vào tương lai phát triển của Việt Nam, với các giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là khi các cân đối lớn, vĩ mô, chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn đảm bảo. Đồng thời, các đại biểu bày tỏ đồng tình và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cao phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19 như: tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; động viên nhân dân tiếp tục thực hiện 5K và các giải pháp phòng, chống dịch khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, nhất là nhóm yếu thế; đảm bảo lưu thông, di chuyển thông suốt, an toàn; kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh chuyển đổi số... Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc các chính sách phải được xây dựng, thực thi nhất quán, thống nhất từ Trung ương tới địa phương.

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng cao của các đại biểu; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu, tổng hợp để phục vụ quá trình xây dựng chính sách và thực thi các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19.

 

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trước tình hình dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc COVID-19, không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch COVID-19. Do đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì các biện pháp phòng, chống dịch; cùng với đó là giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; có giải pháp tăng tổng cầu để kích thích sản xuất; tập trung khôi phục thị trường lao động; tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào của sản xuất…

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung chăm lo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân cả về vật chất, tinh thần; giữ vững an ninh trật tự, an toàn, an dân. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương sẽ cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

PV.Tổng hợp

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết