Sáng 3/10, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành khác; cùng Tập đoàn IEC, Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp cao & Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019.
Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với mục đích: Công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam…
Sự kiện bao gồm các hoạt động: Phiên Diễn đàn cấp cao; 5 hội thảo chuyên đề; triển lãm công nghệ hiện đại với sự tham gia khoảng 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế; phiên kết nối đầu tư kinh doanh.
Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0”, phiên Diễn đàn cấp cao tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.
Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: Ngân hàng thông minh; Thành phố thông minh; Sản xuất thông minh, Năng lượng thông minh và Kinh tế số.
Báo cáo trong phiên Toạ đàm cấp cao, Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020.
Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016.
Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ.
Hiện chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển.
Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, xuất phát từ thực tế trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp này để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể. "Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp này có tầm quan trọng không kém. Do đó, với tinh thần “cách mạng” đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết này" Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.“Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một ví dụ như vậy” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hy vọng, Việt Nam có thể làm được vì văn hoá chúng ta là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Và Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân.
Tuy nhiên, ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này, Bộ trưởng cho rằng, đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. "Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT (doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông) tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - từ đây đi ra toàn cầu" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp
Trình bày về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Hiện nay, Chiến lược đã được lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chiến lược này được xây dựng trên ba nền tảng:
Một là đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Hai là phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.
Ba là phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.
Bên cạnh các yếu tố nền tảng này, dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai nhiều nhóm chính sách quan trọng như: áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; cơ cấu lại, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu; thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, chúng ta cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực; cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp, và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế.
Thách thức là rất lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Chính phủ, với sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế, Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu./.
Theo Trang thông tin Bộ Công thương VN