Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Khẳng định chính sách nhất quán, nhân văn của Nhà nước Việt Nam trong thực thi quyền con người

Ngày phát hành: 25/08/2023 Lượt xem 763

Sáng 24/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã thông tin về nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người ( Công ước chống tra tấn hoặc Công ước CAT).
 
Việt Nam đã nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là trên 4 khía cạnh: tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn; nội luật hóa, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Công ước; xây dựng, bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất và định kỳ về thực hiện Công ước chống tra tấn.

Trên cơ sở kế hoạch triển khai Công ước, Đề án tuyên truyền Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành sách, tài liệu tuyên truyền, tài liệu giảng dạy, tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí. 

Nhiều quy định về ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020)... và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến việc khám, chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ; trợ giúp pháp lý, bồi thường thiệt hại; quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức; cải cách tư pháp; cải cách hành chính, đơn giản thủ tục hành chính...

Việt Nam đã triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong cơ sở giam giữ phạm nhân, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; thực hiện dân chủ trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; quy định cụ thể những thông tin được công khai, hình thức công khai; những việc nhân dân tham gia ý kiến, hình thức tham gia ý kiến, hình thức giám sát, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực, quan liêu, sách nhiễu, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền của người dân, trong đó có quyền không bị tra tấn với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". 

Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn đó là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung, qua đó, góp phần ngăn ngừa các hành vi tra tấn. Sau quá trình thí điểm, đến nay, Việt Nam hoàn thành lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình cố định tại 204 phòng hỏi cung trên toàn quốc, thiết lập 25 phòng giám sát và lưu trữ dữ liệu tại 25 trại tạm giam, nhà tạm giữ; đã trang bị hàng  nghìn bộ thiết bị ghi âm, ghi hình và tủ bảo quản CD/CVC cho Công an các đơn vị, địa phương.      
 
Mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi đã được xây dựng, với thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ. Điều tra viên được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/lần và 1 ngày không quá 2 lần theo quy định, có sự tham gia của người giám hộ trong quá trình lấy lời khai. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập 33 phòng điều tra thân thiện tại Cục Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an 30 địa phương...

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi liên quan đến tra tấn được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm minh, công khai, theo đúng quy định của pháp luật. Công tác thanh, kiểm tra, theo dõi, khảo sát, đánh giá chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo; công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự được tăng cường, kịp thời phát hiện những sai sót để từ đó tham mưu lãnh đạo các cấp chấn chỉnh các vi phạm, nhất là các vụ án có dấu hiệu oan, sai, các trường hợp trốn khỏi nơi giam giữ, các trường hợp chết tại các cơ sở giam giữ, trụ sở các cơ quan Công an và các vụ án có bị can, bị cáo nguyên là cán bộ cơ quan nhà nước. 

Bên cạnh các hoạt động nhằm tăng cường thực hiện nghĩa vụ của thành viên Công ước chống tra tấn, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia trước Ủy ban chống tra tấn. Theo đó, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất lên Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017; trình bày, bảo vệ các thông tin, số liệu, nội dung mà Việt Nam đã nêu trong Báo cáo quốc gia lần thứ nhất trước Ủy ban chống tra tấn vào năm 2018. Ngày 7/12/2018, Ủy ban chống tra tấn Liên hợp quốc đã ban hành Báo cáo giữa kỳ đánh giá về việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn tại Việt Nam. Trên cơ sở Báo cáo giữa kỳ của Ủy ban chống tra tấn, Việt Nam tiếp tục xây dựng, nộp Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận, khuyến nghị này vào tháng 10/2020. Ngày 14/2/2023, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Hiện, Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước chống tra tấn. 

Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) khẳng định: Với cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc nói chung, Công ước chống tra tấn nói riêng, vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, việc tham gia, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; khẳng định nỗ lực, quyết tâm, chính sách nhất quán, nhân văn của Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. 

Tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Bộ Công an đã thông tin về việc bảo đảm các quyền của phạm nhân phù hợp với Công ước CAT.
 
Công ước CAT là một trong 9 điều ước cốt lõi của Liên hợp quốc về quyền con người, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/64, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26/6/1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Tại Việt Nam, ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước. Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 5/2/2015; trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 7/3/2015./.
 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết