Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Kinh nghiệm kiểm soát COVID-19 hiệu quả của một số nước trên thế giới

Ngày phát hành: 27/03/2020 Lượt xem 763

Xuất phát từ một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Bắc Trung Quốc khoảng đầu tháng 11-2019, cho đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 471 nghìn ca nhiễm và gần 21.300 trường hợp tử vong. Cú sốc COVID-19 đã khiến cả thế giới quay cuồng trong dịch bệnh, làm đảo lộn và đình trệ mọi hoạt động của con người, buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 30-1 và sau đó đã công bố đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11-3.
Tuy nhiên trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu COVID-19 hơn 3 tháng qua, dù con người vẫn chưa thể tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhất để tiêu diệt virus SARS-CoV-2, nhưng đâu đó trên thế giới vẫn ghi nhận những điểm sáng trong nỗ lực kiểm soát và làm giảm sự lây lan của con virus nguy hiểm gây chết người này. Đó là những điển hình như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Đức, Nga…

* Bài học kiểm soát dịch bệnh từ Trung Quốc
Trong cuộc chiến chống COVID-19, Trung Quốc được cả thế giới biết đến là nơi xuất phát đầu tiên của virus SARS-CoV-2. Đối mặt với một virus lạ và có sức lây lan cũng như hủy diệt khủng khiếp, Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng và thiệt hại vô cùng nặng nề với tổng số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong luôn ở mức cao nhất thế giới trong liên tiếp 3 tháng qua (từ tháng 12-2019 đến đầu tháng 3-2020). Tuy nhiên, ngày 12-3 vừa qua đã đánh dấu mốc quan trọng với Trung Quốc khi nước này tuyên bố đã vượt qua cao điểm của dịch với số ca nhiễm mới ngày càng ít.
Liên tiếp trong khoảng 1 tuần qua, Trung Quốc đã không có ca nhiễm mới, nhất là tại tỉnh Hồ Bắc-nơi từng là tâm dịch của COVID-19. 100% số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đều là người từ nước ngoài. Thành tích này đã giúp cho tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc được dỡ bỏ lệnh phong tỏa kể từ ngày 25-3 sau 2 tháng phong tỏa, ngoại trừ thành phố Vũ Hán. Hiện toàn bộ các bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc đều đã đóng cửa. Các nhà hàng đang rục rịch mở cửa trở lại, các tuyến đường giao thông liên tỉnh được khôi phục và hoạt động sản xuất tại các nhà máy dần trở lại bình thường. Trung Quốc thực sự như đang hồi tỉnh sau "cơn hôn mê" vì virus SARS-CoV-2.
Những kỳ tích kể trên của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận và đánh giá cao khi cho rằng "trước một loại virus chưa từng được biết đến trước đây, Trung Quốc đã triển khai những biện pháp ngăn chặn… có lẽ là nhanh chóng và tích cực nhất trong lịch sử".
Để đạt được thành công lớn trong kiểm soát dịch COVID-19 như hiện nay, nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện quyết liệt rất nhiều biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Trước tiên là công tác giám sát, báo cáo và cập nhật tình hình dịch bệnh. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hằng ngày đều thông báo về diễn biến dịch.
Tiếp đó là biện pháp tăng cường kiểm soát đi lại và cách ly. Một kế hoạch khẩn cấp cho những tình huống báo động về sức khỏe cộng đồng đã được áp dụng tại các trạm kiểm soát giao thông trên khắp toàn quốc. Hệ thống thẻ khai báo sức khỏe đã được triển khai tại mọi cửa ngõ ra, vào các thành phố và nhiệt độ của tất cả những người ra, vào các địa phương được theo dõi chặt chẽ. Mọi công dân đều phải đeo khẩu trang khi xuất hiện tại nơi công cộng.
Một biện pháp hết sức quan trọng khác chính là công tác điều trị bệnh. Đối với các bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch, nhà chức trách y tế Trung Quốc áp dụng nguyên tắc "4 tập trung," gồm tập trung các bệnh nhân, tập trung các chuyên gia y tế, tập trung các nguồn lực và tập trung điều trị trong các cơ sở y tế đặc biệt.
Biện pháp quan trọng tiếp theo là công tác điều tra dịch tễ và quản lý tiếp xúc gần. Biện pháp này được thực hiện khẩn trương đối với mọi trường hợp nghi ngờ và được xác nhận dương tính với virus nhằm nhận diện những nguồn lây truyền mầm bệnh cũng như áp dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp, kể cả truy tìm dấu vết của những người đã tiếp xúc gần với đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh.
Giải pháp hạn chế tụ họp đông người, kiểm dịch nghiêm ngặt ở nơi công cộng cũng được áp dụng quyết liệt với quy mô quốc gia.
Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến biện pháp huy động sức mạnh của cộng đồng. Bên cạnh việc nhà nước đứng ra thanh toán chi phí điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân mắc COVID-19 thì chính quyền cũng huy động các nguồn lực y tế trên khắp cả nước đến tâm dịch Vũ Hán để hỗ trợ điều trị cho thành phố này. Hàng nghìn nhân viên y tế và nhiều lô thiết bị, vật tư y tế đã được chi viện cho tâm dịch Vũ Hán.
Trên bình diện quốc tế, việc chia sẻ thông tin, hợp tác quốc tế và liên khu vực cũng là một biện pháp quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh. Nhờ việc thực hiện đồng bộ những biện pháp nêu trên, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt và ngành y tế Trung Quốc đang từng bước đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

* Hàn Quốc - Từ “ổ dịch” đến hình mẫu trong kiểm soát COVID-19

 

 
Bên cạnh Trung Quốc thì Hàn Quốc - nước phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20-1 và khiến chính phủ phải nâng mức cảnh báo lên mức “đỏ”, mức cao nhất vào ngày 23-2 - cũng ghi nhận tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19. Tính đến ngày 26-3, số ca nhiễm của nước này là trên 9.200 người và hơn 130 người tử vong, chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 80) và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Tuy nhiên đáng chú ý là trong số ca nhiễm bệnh, đã có gần 4.200 người được điều trị khỏi hoàn toàn và số ca mắc mới trong một ngày liên tục giảm đi, duy trì ở mức 2 con số.
Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định Hàn Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), song rõ ràng các nỗ lực không biết mệt mỏi của chính phủ nước này trong việc phòng chống dịch những ngày qua đã có những kết quả khá tích cực. Tại tâm dịch Daegu, sự bùng phát dịch cũng đang được kiềm chế.
Trong cuộc chiến chống COVID-19, ban đầu Hàn Quốc đã có hướng tiếp cận được cho là “sai lầm” khi chỉ coi trọng ngăn chặn dịch từ bên ngoài mà không chú ý phòng ngừa dịch lây lan nhanh ở trong nước. Điều này đã khiến dịch bệnh đã bùng phát mạnh với hai tâm dịch là thành phố Deagu, thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc với 2,5 triệu dân, và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận. Thời điểm giữa tháng 2-2020, Hàn Quốc đã trở thành nước có số ca nhiễm nhiều chỉ sau Trung Quốc đại lục và khiến nhiều người đã nghĩ tới kịch bản Deagu trở thành một "Vũ Hán thứ hai".
Nhưng bằng cách thay đổi chiến lược chống dịch, chính phủ Hàn Quốc đã ngay lập tức có những bước điều chỉnh tức thì, có hiệu quả, rất quyết liệt và chưa từng có tiền lệ. Từ phía chính quyền, Quốc hội Hàn Quốc đã sửa luật, bổ sung ngân sách chống dịch trong khi chính phủ quyết định nâng cảnh báo nguy cơ dịch COVID 19 lên mức cao nhất là "nghiêm trọng", tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Khi ban hành cảnh báo “nghiêm trọng”, Chính phủ Hàn Quốc được chủ động trong kiểm soát và dốc mọi nguồn lực quốc gia để sớm dập tắt dịch bệnh, như: cấm tổ chức các sự kiện quy mô lớn, yêu cầu nghỉ học, hạn chế quyền cơ bản của công dân trong phạm vi nhất định.
Mặc dù không lựa chọn cách phong tỏa tâm dịch, nhưng chính phủ Hàn Quốc tập trung vào việc cách ly bắt buộc đối với bệnh nhân COVID-19 và người có tiếp xúc gần. Bên cạnh đó là áp dụng biện pháp kiểm soát người nhập cảnh, trong đó yêu cầu du khách phải kiểm tra thân nhiệt, khai báo địa chỉ liên hệ và điền phiếu điều tra sức khỏe.
Theo một số chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc giảm tốc lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đó là chương trình xét nghiệm rộng khắp. Tỷ lệ xét nghiệm trên dân số của Hàn Quốc được đánh giá là cao nhất thế giới. Với việc tiến hành 15.000 ca xét nghiệm/ngày, các quan chức y tế Hàn Quốc đã xét nghiệm được khoảng 250.000 người (từ tháng 1 tới giữa tháng 3), tức cứ 200 người Hàn Quốc thì có 1 người được xét nghiệm.. Để thúc đẩy sự tham gia của người dân vào chương trình xét nghiệm, Hàn Quốc miễn phí hoàn toàn đối với xét nghiệm dành cho người được bác sĩ yêu cầu hoặc có triệu chứng sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người trở về từ Trung Quốc. Xét nghiệm COVID-19 có thể được tiến hành tại hàng trăm cơ sở y tế khắp cả nước, chưa kể hơn 50 điểm xét nghiệm nhanh (người được xét nghiệm vẫn ngồi trên ô tô của mình mà không cần phải xuống xe). Theo các chuyên gia, bằng việc xét nghiệm rộng rãi đã giúp nước này phát hiện được cả những trường hợp triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, có thể khiến tổng số ca bệnh tăng, song cũng giúp phát hiện sớm ca nhiễm, dẫn đến điều trị sớm và kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Từ những chuyển biến tích cực của Hàn Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phối hợp các quốc gia có sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng để áp dụng những bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc.

* Đức -  Tỷ lệ tử vong thấp kỷ lục
Tính đến ngày 26-3, Đức đã ghi nhận hơn 39.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 222 ca tử vong. Tuy số lượng ca nhiễm tăng rất nhanh nhưng tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm ở Đức vẫn ở mức rất thấp, 0,5%. Mức này được đánh giá là thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác.
Điều này có được trước tiên là do Đức có hệ thống y tế chất lượng cao. Hiện chi tiêu cho y tế của nước này chiếm 11% GDP, cao hơn hẳn so với mức trung bình 8,9% của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nhờ đó mà Đức đã có sự chuẩn bị thật tốt khi đương đầu với dịch bệnh như COVID-19. Với số lượng bệnh viện lớn là 1.900 bệnh viện cho 82 triệu dân, số giường chăm sóc đặc biệt đa phần được trang bị máy thở thuộc hàng cao nhất châu Âu đã giúp hệ thống y tế nước này không bị quá tải trong việc chữa trị cho bệnh nhân.
Lý do thứ hai là năng lực xét nghiệm. Ngay từ khi xuất hiện rải rác những ca mắc đầu tiên, Đức đã tiến hành xét nghiệm virus gây bệnh COVID-19 trên quy mô lớn với năng lực thực hiện khoảng 12 nghìn xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày. Việc xét nghiệm trên quy mô lớn đã giúp nước này phát hiện sớm các trường hợp dương tính, không bỏ lọt cả những trường hợp nhẹ và không có triệu chứng rõ ràng, qua đó giúp việc cứu chữa bệnh nhân đạt hiệu quả cao hơn, hạn chế nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca lây nhiễm ở châu Âu vẫn không ngừng gia tăng, nhiều chuyên gia ở Đức vẫn cảnh báo nước này vẫn có thể phải đối mặt với nhiều ca bệnh nặng hơn trong thời gian tới, khiến tỷ lệ tử vong tăng lên.
Hiện chính phủ Đức đang tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh như cấm tụ hội trên 2 người, ngoại trừ là trong gia đình hoặc những người sống cùng nhau trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,50 m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống…

* Bài học phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả ở Nga

 

 
Từ khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (ngày 31-1-2019), Nga là quốc gia đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 từ rất sớm và đây được cho là lý do khiến số ca mắc ở nước này thấp, dù dân số đông.
Tính đến ngày 26-3, Nga có hơn 840 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong. Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần qua cho biết, nước Nga đã cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và tình hình dịch bệnh ở nước này đã “trong tầm kiểm soát” nhờ các biện pháp sớm, tích cực ngăn chặn không để nhiều người mắc bệnh. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, chiến lược chống dịch của Tổng thống Putin dường như đã có hiệu quả. Số ca mắc COVID-19 ở Nga được xác nhận ở mức thấp đáng ngạc nhiên mặc dù Nga có chung đường biên giới trải dài với Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định, các biện pháp ứng phó sớm của Nga bao gồm việc đóng cửa tuyến biên giới trải dài 2.600 dặm (hơn 4.100 km) với Trung Quốc ngay từ ngày 30-1 và thiết lập các khu vực cách ly đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Bên cạnh đó, cũng giống như chiến lược chống dịch ở Hàn Quốc và Đức, Nga đã thực hiện việc xét nghiệm từ rất sớm và rộng rãi. Trong khi Mỹ mới chỉ bắt đầu tăng tốc xét nghiệm SARS-CoV-2 từ đầu tháng 3 thì Nga đã thực hiện xét nghiệm hàng loạt kể từ đầu tháng 2, bao gồm việc sàng lọc ngay từ sân bay, tập trung vào các hành khách đến từ Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc.
Tiến sĩ Melita Vujnovic, đại diện WHO tại Nga cho biết ngoài việc xét nghiệm và xác định các trường hợp, truy tìm dấu vết, cách ly, Nga đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội từ khá sớm.
Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là Nga đã thực hiện hoàn hảo việc phòng chống dịch COVID-19. Theo các quan chức y tế Nga, nước này dường như chưa lường được nguy cơ dịch bệnh từ những người trở về từ Italy hoặc các nước châu Âu khác, vì vậy phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 ở nước này là từ Italy trở về.
Chính phủ Nga cũng nhanh chóng chuyển sang áp dụng các biện pháp phòng bị sâu rộng hơn, bao gồm hủy bỏ các sự kiện công cộng, đóng cửa biên giới với người nước ngoài (trừ một số trường hợp đặc biệt). Biện pháp này đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Dù ở Nga, tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu chuyển xấu nhưng đây được cho là bước đi phù hợp trước khi quá muộn./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết