Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Kỳ họp thứ 5 Hội đồng Lý luận TW nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày phát hành: 11/10/2022 Lượt xem 1063

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Kỳ họp.  

 

Thực hiện Chương trình công tác nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 10-10-2022, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ 5.  GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì kỳ họp; đồng chí TS. Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Nguyên tham dự kỳ họp và phát biểu chào mừng; tham dự kỳ họp có các đồng chí Thường trực Hội đồng, thành viên Hội đồng và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban đảng trung ương.

Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng tập trung vào một nội dung: Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhằm cung cấp, bổ sung luận cứ khoa học cần thiết cho việc xây dựng Báo cáo tư vấn của Hội đồng “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương.

 

PGS,TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo.

 

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQTW, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết cùng còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Cơ chế, thủ tục hành chính quan liêu, lạc hậu và tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở một số nội dung quan trọng cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm cung cấp, bổ sung luận cứ khoa học cần thiết cho việc xây dựng Báo cáo tư vấn của Hội đồng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. 

 

Quang cảnh kỳ họp

 

Sau phát biểu khai mạc định hướng của đồng chí Chủ tịch Hội đồng và Báo cáo đề dẫn Hội thảo, với tinh thần trách nhiệm, khách quan, khoa học các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu sắc vào một số vấn đề:

- Về đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW

- Về những hạn chế, điểm nghẽn cần được tháo gỡ để phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc

- Đề xuất, kiến nghị để xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Kết quả Hội thảo đã góp phần làm rõ nhiều vấn đề đặt ra, trong đó đặc biệt là các giải pháp trọng tâm để tiếp tục hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước./.

 

PV

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết