Thứ Bảy, ngày 07 tháng 12 năm 2024

Kỷ nguyên mới về hợp tác và tài chính khí hậu

Ngày phát hành: 25/11/2024 Lượt xem 54


Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29)


Thỏa thuận tài chính mà gần 200 nước đạt được ngày 24/11/2024 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan), theo lời khẳng định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã đánh dấu “kỷ nguyên mới về hợp tác và tài chính khí hậu”.


Theo thỏa thuận trên, các quốc gia phát triển cam kết chi ít nhất 300 tỷ USD/năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển “xanh hóa” nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu. Điều này sẽ thúc đẩy đầu tư vào quá trình chuyển đổi sạch, giảm phát thải và xây dựng khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh thỏa thuận và coi đây là “bước tiến quan trọng” trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband đánh giá thỏa thuận đạt được giữa gần 200 quốc gia tại COP29 là "thỏa thuận quan trọng vào phút chót cho khí hậu". Ông Miliband nhận định, nếu khoản tài chính 300 tỷ USD mỗi năm này được các nước đang phát triển sử dụng đúng cách, nó có thể giúp giảm thiểu lượng khí thải tương đương với 1 tỷ xe ô tô và có thể bảo vệ gần 1 tỷ người khỏi tác động của biến đổi khí hậu.


Tuy nhiên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng thỏa thuận tài chính khí hậu vừa đạt được tại COP29 là “chưa đủ tham vọng”. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia coi đây là nền tảng để xây dựng các cam kết khí hậu tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải “tuân thủ đầy đủ và đúng hạn” thỏa thuận này. Cũng theo Tổng thư ký LHQ, các quốc gia cần đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới trước khi diễn ra COP30 như đã cam kết.


Các nước nghèo nhất - vốn chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, cũng nhận định cam kết đóng góp ít nhất 300 tỷ USD/năm của các nước phát triển - cũng là những nước gây ô nhiễm nhất, là quá thấp. Những quốc gia này cảnh báo một thỏa thuận tài chính yếu kém tại COP29 sẽ hạn chế khả năng đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn nhằm cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.


COP29 đã phải kéo dài hơn so với dự kiến (từ 11-22/11 sang đến ngày 24/11/2024) do vấn đề tài chính khí hậu khiến quá trình đàm phán lâm vào bế tắc. Các nước phát triển đã đưa ra đề xuất 250 tỷ USD nhằm nâng cao cam kết tài chính so với gói hỗ trợ hiện tại 100 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, con số này được cho là quá thấp so với nhu cầu thực tế của các quốc gia đang phát triển. Một nhóm gồm 134 quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đã yêu cầu ít nhất 500 tỷ USD để giúp họ xây dựng khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.


Cũng tại COP29, các quốc gia cũng đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Thị trường này được đánh giá sẽ huy động hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của Trái đất. Thỏa thuận này xoay quanh cách đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu một cách đáng tin cậy, cho phép hệ thống giao dịch tập trung của LHQ được triển khai sớm nhất vào năm 2025. Điều quan trọng là các bên cần thống nhất các chi tiết về một hệ thống song phương riêng biệt để các quốc gia có thể giao dịch trực tiếp. Các chi tiết cần được giải quyết bao gồm cách thức xây dựng sổ đăng ký theo dõi tín chỉ, cũng như lượng thông tin mà các quốc gia nên chia sẻ về các thỏa thuận của mình và những gì sẽ xảy ra khi các dự án gặp trục trặc.


Theo giới phân tích, thoả thuận trên tạo ra sự cân bằng phù hợp cho một bộ quy tắc rõ ràng để đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch mà không hạn chế khả năng tham gia của các quốc gia sẽ thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon. Giá trị của thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu do LHQ hậu thuẫn có thể lên tới 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.


Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự đoán là năm nóng nhất trong lịch sử và thế giới tiếp tục đối mặt các hậu quả thảm khốc từ lũ lụt, hạn hán, nắng nóng và bão lốc. Những cảnh báo từ các chuyên gia cho thấy, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của môi trường mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với sức khỏe cộng đồng và thế giới cần khẩn trương phối hợp hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Nhiệt độ kỷ lục, các hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm không khí và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm đang đe dọa sức khỏe của con người trên khắp thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: "Biến đổi khí hậu đang khiến chúng ta lâm bệnh và hành động cấp bách bây giờ là vấn đề sống còn".

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết