Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Kỳ tích Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển

Ngày phát hành: 20/10/2021 Lượt xem 966

Tuyến vận tải chiến lược trên biển - đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Tháng 6/1997, Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), một trong những bến quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, gắn liền với chiến công của những con tàu "Không số” được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Trần Lê Lâm/ TTXVN

 

Cách đây 60 năm, có con đường nối liền hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện trực tiếp cho những chiến trường xa nhất, khó khăn nhất là Nam Bộ, Nam Trung Bộ và vùng ven biển Khu 5. Đó là đường mòn Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gồm 5 tuyến đi có tổng chiều dài gần 12.000 hải lý với biết bao kỳ tích anh hùng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nắm rõ vai trò to lớn của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tìm mọi thủ đoạn để thực hiện "chiến tranh ngăn chặn" nhằm cắt đứt sự chi viện từ hậu phương miền Bắc cho các chiến trường miền Nam. Ở trên biển, Hải quân và Không quân Mỹ đã sớm thiết lập một phòng tuyến ngăn chặn từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan. Vòng ngoài là máy bay tuần tiễu của Hạm đội 7, bên trong là Hải quân Việt Nam Cộng hòa và thủy quân lục chiến tuần tra, canh gác, kiểm soát bảo vệ bờ biển, các bến cảng, cửa biển, cửa sông. Tuyến giữa do Hải quân Mỹ trực tiếp đảm nhiệm.

Trước âm mưu của kẻ thù hung bạo, ngày 23 tháng 10 năm 1961 Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 (sau là Đoàn 125) chính thức mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường. Sau một thời gian xây dựng, ổn định tổ chức biên chế, chuẩn bị tàu thuyền và đi trinh sát thực địa, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển vũ khí vào Nam. Đêm 11/10/1962 chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 chở hơn 30 tấn vũ khí đầu tiên bí mật rời bến Nghiêng (Hải Phòng) với tinh thần thần tốc, táo bạo, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Sau 9 ngày vượt biển, con tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn đánh dấu một sự kiện quan trọng "đường Hồ Chí Minh trên biển" đã được khai thông. Nhận được tin đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện động viên, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và căn dặn cần rút kinh nghiệm chuyến đi, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà.

Năm 1963, Đoàn 759 tiếp tục thực hiện được 23 chuyến, vận chuyển được hơn 1.318 tấn hàng hóa, chủ yếu là vũ khí và thuốc men vào các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa. Ngoài ra, Đoàn còn đưa đón hàng chục cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo với Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng làm thất bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và tay sai, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.

Tháng 9/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao nhiệm vụ vận chuyển bằng đường biển cho Quân chủng Hải quân. Đến ngày 24/1/1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân. Trong thời gian này, xuất phát từ yêu cầu của các chiến trường, Đoàn 125 tập trung đưa hàng vào Khu 9, Khu 8, Khu 7 và Khu Sài Gòn - Gia Định, đồng thời xúc tiến việc mở bến mới chi viện cho chiến trường Khu 5, Khu 6. Kết quả, trong năm 1964, Đoàn 125 tổ chức vận chuyển được 52 chuyến vào chiến trường, với khối lượng lên tới gần 3000 tấn vũ khí, tăng hơn gấp 2 lần năm 1963. Trong năm 1964, ta còn đột phá đưa 2 chuyến hàng vào các bến mới ở Vũng Rô (Phú Yên) và Lộ Giao (Bình Định).

Trong giai đoạn 1962-1964, khi mà tuyến chi viện chiến lược trên bộ dọc theo Trường Sơn chỉ vươn tới Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Bắc Khu V thì với hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển từ miền Bắc vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ bằng đường biển đã góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Nhờ có số vũ khí trên, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công vang dội như Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã.

Từ khi quân dân ta ở miền Nam nhận được tiểu liên AK47, súng chống tăng B40, B41, DKZ75, súng cối 81… do miền Bắc chuyển vào thì việc bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến, phá đồn bốt diễn ra liên tục khiến sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn từ chủ quan, coi thường, hung hăng, ngạo mạn đến khiếp sợ, hoang mang, chùn bước. Báo cáo ngày 15/9/1963 của Nguyễn Thành Hoàng, Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau) đã ghi rõ: "Vũ khí của Việt Cộng vượt ra ngoài tất cả ước tính của chúng ta. Việt Cộng đã dùng cối 81, súng 12,7mm, DKZ75… là những thứ mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được".

Nghi ngờ miền Bắc sử dụng đường biển để tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam ngoài con đường tiếp tế trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo và chuyên gia quân sự Mỹ về tình hình Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến con đường chi viện trên biển của ta. Theo số liệu đã được Hiệp hội đóng tàu Hoa Kỳ công bố, từ năm 1962 -1964, Mỹ và chế độ tay sai Sài Gòn đã tổ chức chụp ảnh khoảng 10 vạn tàu thuyền các loại đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Vịnh Thái Lan để phục vụ cho việc theo dõi nhận dạng, giám sát, phát hiện tàu thuyền khả nghi. Tuy nhiên, chúng vẫn không hiểu vì sao, bằng cách nào mà từ năm 1962 đến tháng 2/1965, những con tàu nhỏ bé từ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa có thể vượt biển, thoát qua sự kiểm soát, ngăn chặn gắt gao của Mỹ, ngụy để chi viện một khối lượng lớn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Chỉ tới sự kiện Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2/1965) thì tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển của ta không còn giữ được bí mật. Địch đã nắm được chính xác ý đồ, phương thức, phương tiện vận chuyển của ta. Chúng lập tức đẩy mạnh đánh phá miền Bắc đồng thời triển khai nhiều lực lượng, phương tiện quyết ngăn chặn con đường chi viện trên biển của ta. 

Mặc dù bị địch ngăn chặn, phong tỏa rất quyết liệt, khó khăn nguy hiểm thêm gấp nhiều lần nhưng với quyết tâm và nỗ lực rất cao, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã nghiên cứu chuyển sang phương thức vận chuyển mới là đi xa bờ bằng phương pháp hàng hải thiên văn. Với phương pháp này, nhiều tàu của Đoàn tàu Không số phải đi qua đảo Hải Nam, vòng ra hải phận quốc tế, qua vùng biển Philippines, Indonesia, Malaysia rồi bất ngờ đột nhập vào các bến tiếp nhận ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Thành công của phương thức vận chuyển mới này đã khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn hết sức ngạc nhiên. Chúng phải thốt lên: "Việt Cộng chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín không sao hiểu nổi".

Từ năm 1967, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, cán bộ, chiến sĩ Đường Hồ Chí Minh trên biển tập trung toàn lực vận chuyển phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Nhiều chuyến tàu đã vào các bến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nhưng cũng có nhiều chuyến, cán bộ, chiến sĩ ta phải hủy tàu, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng. Tiêu biểu là Tàu 235 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lúc gặp địch đã chiến đấu anh dũng rồi hủy tàu tại Hòn Hèo (Khánh Hòa) tháng 3/1968. Sau trận đánh này, Tạp chí "Lướt sóng" của Hải quân Sài Gòn đã tường thuật: "Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực tế Tàu 235 của ta chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hi sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại dấu vết".

Từ cuối năm 1968 đến năm 1972, dù bị địch ngăn chặn, phong tỏa nhưng các con tàu Không số của ta vẫn ra vào các bến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhiều nhà chiến lược quân sự sừng sỏ của Mỹ vẫn không thể giải thích nổi vì nguyên cớ gì, bằng chiến thuật, bằng kỹ thuật gì, bằng sự màu nhiệm nào mà những con tàu bé nhỏ của đối phương có thể vượt qua bão tố, biển cả, vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của một hạm đội hùng mạnh với kỹ thuật tối tân, trang bị hiện đại, gần như rào kín trên biển, để tới được các bến bờ miền Nam. Điều mà phía đối phương đã mất rất nhiều công sức và tiền bạc để lần tìm con đường trên biển của ta. Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải cay đắng thừa nhận hoạt động của Đường Hồ Chí Minh trên biển do quân dân ta thực hiện "là một hiện tượng kỳ lạ, vượt qua cả sự tưởng tượng thông thường". 

Có thể nói, tuyến vận tải chiến lược trên biển - đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kỳ tích ấy, như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu Quân chủng Hải quân và Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển: Sự thành công của Đường Hồ Chí Minh trên biển khẳng định tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ, thể hiện khát vọng độc lập dân tộc, ý chí, nghị lực, sự mưu trí sáng tạo; là một kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mà Quân chủng Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 anh hùng xây đắp nên.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là công lao, là kỳ tích của cả dân tộc, là nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam đồng thời là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, ý chí, nghị lực, quyết tâm giành độc lập tự do cho đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

 

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết