Từ ngày 1/7/2025, Luật Dữ liệu - đạo luật đầu tiên của Việt Nam chuyên sâu về dữ liệu số chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng thể chế phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số; đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền dữ liệu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cán bộ, công chức Cục Thuế tỉnh Hòa Bình rà soát, chuẩn hóa dữ liệu số định danh cá nhân làm mã số thuế cá nhân. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Khung pháp lý toàn diện, thống nhất
Ngày nay, dữ liệu không còn chỉ là công cụ hỗ trợ quản lý hay vận hành dịch vụ, mà đã trở thành một trong những tài nguyên có giá trị hàng đầu. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, dữ liệu đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả quản trị, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Phát biểu tại Đại hội thành lập Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (tháng 3/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành “năng lượng mới”, thậm chí là “máu” của nền kinh tế số”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng dữ liệu phát sinh và trao đổi ngày càng lớn, nguy cơ lạm dụng, rò rỉ, thậm chí thao túng dữ liệu cũng ngày càng cao. Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế để quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả dữ liệu là yêu cầu cấp thiết.
Luật Dữ liệu được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024), gồm 5 chương với 46 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một đạo luật chuyên sâu, toàn diện điều chỉnh về dữ liệu số, từ thu thập, xử lý, chia sẻ, lưu trữ đến bảo vệ và khai thác dữ liệu.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo luật - Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Luật Dữ liệu được xây dựng trên 3 nguyên tắc cốt lõi: (1) Dữ liệu là tài sản có giá trị, cần được quản lý hiệu quả; (2) Chủ thể dữ liệu có quyền kiểm soát thông tin của mình; (3) Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và bảo vệ quyền lợi các bên.
Luật áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động dữ liệu số tại Việt Nam, với yêu cầu xuyên suốt là minh bạch, an toàn và có trách nhiệm trong việc thu thập, xử lý, chia sẻ dữ liệu.
Một điểm đột phá là Luật xác định rõ hệ thống dữ liệu quốc gia, bao gồm: Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ thành lập, vận hành, nhằm đảm bảo hạ tầng lưu trữ và xử lý dữ liệu tập trung; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, kết nối thông suốt dữ liệu từ các bộ, ngành, địa phương; Dữ liệu mở, khuyến khích chia sẻ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ công minh bạch, hiệu quả.
Một trong những nội dung trọng tâm của Luật Dữ liệu là bảo vệ dữ liệu cá nhân và dữ liệu quan trọng quốc gia. Luật quy định rõ các biện pháp kỹ thuật và tổ chức, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu, phân loại dữ liệu theo mức độ nhạy cảm, rủi ro. Cụ thể: Điều 13: Phân loại dữ liệu thành dữ liệu thông thường, dữ liệu nhạy cảm và dữ liệu đặc biệt. Điều 25: Quy định trách nhiệm đánh giá rủi ro về quyền riêng tư và an toàn dữ liệu. Điều 27 và 43: Yêu cầu đảm bảo an toàn dữ liệu cả về kỹ thuật lẫn quy trình tổ chức…
Đáng chú ý, trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia..., Luật cho phép cơ quan nhà nước được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu cần thiết mà không cần sự đồng ý từ chủ thể dữ liệu. Quy định này tạo hành lang pháp lý để Nhà nước xử lý kịp thời các tình huống đột xuất, bảo vệ lợi ích công cộng.
Đòn bẩy thể chế cho chuyển đổi số quốc gia và kinh tế số bền vững
Luật Dữ liệu không chỉ tạo hành lang pháp lý mà còn đặt nền móng xây dựng niềm tin số - yếu tố cốt lõi để phát triển Chính phủ số và xã hội số.
Người dân được bảo vệ quyền riêng tư, được biết dữ liệu của mình được sử dụng ra sao, bởi ai và trong mục đích gì. Đồng thời, dữ liệu công, dữ liệu mở được chia sẻ rộng rãi, giúp người dân giám sát dịch vụ công, góp phần xây dựng Nhà nước minh bạch, hiệu quả.
Doanh nghiệp có thể khai thác dữ liệu một cách hợp pháp để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích thị trường... Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu để hoạch định chính sách, nâng cao năng lực điều hành, cải cách hành chính.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá: Luật Dữ liệu không chỉ là công cụ quản lý mà còn là đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Luật không đóng khung mà trao quyền cho doanh nghiệp chủ động xây dựng quy trình, áp dụng công nghệ, đồng thời chịu trách nhiệm hậu kiểm”.
Ông Nguyễn Phú Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, nhận định: Luật Dữ liệu giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư vào công nghệ như blockchain, định danh số phi tập trung, xác thực dữ liệu xuyên biên giới... Đặc biệt, khung pháp lý rõ ràng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp số hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, song để Luật Dữ liệu đi vào cuộc sống, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình chia sẻ dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, các chương trình đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản trị dữ liệu cũng sẽ được triển khai trên toàn quốc.
Từ phía doanh nghiệp, việc đầu tư vào công nghệ bảo mật, hạ tầng lưu trữ, xây dựng chính sách nội bộ phù hợp với Luật là yếu tố sống còn. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tìm hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn pháp lý để thực thi luật hiệu quả. Các doanh nghiệp công nghệ như PILA, 1Matrix cho biết đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo tuân thủ Luật Dữ liệu, từ phân loại dữ liệu, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nhân lực…
Như vậy, Luật Dữ liệu có hiệu lực là bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng quốc gia số, góp phần bảo vệ quyền lợi công dân trên không gian mạng và tạo nền tảng để quản lý, khai thác dữ liệu một cách minh bạch, hiệu quả, có trách nhiệm. Khi được thực thi đồng bộ và nghiêm túc, luật sẽ trở thành công cụ thiết thực giúp nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và củng cố chủ quyền số của Việt Nam trong kỷ nguyên số./.
Theo TTXVN