Mức độ nghiêm trọng của mất mùa do các đợt nắng nóng và hạn hán đã tăng gấp 3 lần trong 50 năm qua ở Châu Âu, theo một nghiên cứu.
Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Environmental Research Letters đã nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp ở 28 quốc gia Châu Âu và Anh từ năm 1961 đến năm 2018.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu như hạn hán, sóng thần, lũ lụt hay thời tiết giá lạnh đều gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất mùa vụ.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng và hạn hán ảnh hưởng đến năng suất cây trồng gấp 3 lần so với các hiện tượng thời tiết khác, từ mức thiệt hại 2,2% trong giai đoạn 1964-1990 lên 7,3% trong giai đoạn 1991-2015.
Teresa Bras – tác giả nghiên cứu chính cho biết, ngũ cốc – một loại lương thực chiếm gần 65% diện tích canh tác của Liên minh Châu Âu và chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc – là loại cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm cả các đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài, đồng thời nghiên cứu cũng cảnh báo về hệ thống và giá lương thực toàn cầu.
Nghiên cứu cho biết đợt nắng nóng kinh hoàng và hạn hán năm 2018 ở Châu Âu đã khiến sản lượng ngũ cốc giảm 8% so với mức trung bình của 5 năm trước, “gây ra tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc và khiến giá hàng hóa tăng mạnh”.
Hạn hán mùa hè trong những năm gần đây ở Châu Âu là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất mà khu vực từng chứng kiến trong 2110 năm và ghi nhận những đợt nắng nóng gia tăng đột ngột kể từ năm 2015.
Theo TTXVN