Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Ngoại giao Nghị viện góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam

Ngày phát hành: 05/09/2021 Lượt xem 978


Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam kéo dài từ ngày 5 đến 11/9/2021.

 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rời Hà Nội, lên đường dự WCSP5, thăm và làm việc với EP, Bỉ và Phần Lan.


* IPU - Liên minh vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc
Liên minh Nghị viện thế giới (Inter Parliamentary Union - IPU) là một tổ chức quốc tế tập hợp đại diện của Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Liên minh được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp), theo sáng kiến của hai nghị sĩ yêu chuộng hoà bình là William Cremer (người Anh) và Fréderic Passy (người Pháp).
Với 179 Quốc hội/Nghị viện thành viên, 13 cơ quan nghị viện khu vực, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hoà bình, hợp tác giữa các nước và Nghị viện các nước.
Mục tiêu chính của IPU gồm thúc đẩy giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sĩ các nước; tham vấn, thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các Nghị viện và Nghị sĩ. IPU tích cực đóng góp vào việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới, yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển, nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.
IPU hợp tác chặt chẽ với các cơ chế của Liên hợp quốc, liên minh nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, điển hình là hoạt động điều trần thường niên về các vấn đề của Liên hợp quốc thu hút sự tham dự của hầu hết các nghị viện thành viên.
IPU tập trung vào 6 lĩnh vực hoạt động chính gồm: Tăng cường nền dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; đẩy mạnh phát triển bền vững; thúc đẩy pháp luật về nhân đạo và bảo vệ nhân quyền; nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị; tăng cường đối thoại, giao lưu về giáo dục, khoa học và văn hóa.
Hai lần mỗi năm, IPU triệu tập hơn 1.500 đại biểu Quốc hội và các đối tác trong nghị viện các nước thành viên, mang lại sự đa dạng cho chương trình nghị sự toàn cầu, bao gồm công việc của Liên hợp quốc và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Qua 132 năm hình thành và phát triển, có thể thấy IPU đã không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện toàn cầu lớn nhất, là diễn đàn đối thoại quan trọng của nghị sỹ toàn cầu để trao đổi và đề xuất các giải pháp về hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển giữa nghị viện các nước. Thông qua hợp tác với các tổ chức Liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, IPU ngày càng đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống quốc tế, từ các vấn đề chính trị, an ninh, đến văn hóa, khoa học, giáo dục.

* WCSP - cơ chế hoạt động mới, đặc biệt của IPU
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (WCSP) là cơ chế hoạt động mới, đặc biệt của IPU, diễn ra 5 năm một lần. Mục tiêu của Hội nghị là củng cố năng lực quản trị toàn cầu của nghị viện, đồng thời thông qua gặp gỡ thượng đỉnh nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu.
Cơ cấu Hội nghị thường bao gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng.  Trước mỗi kỳ Hội nghị sẽ diễn ra cuộc họp của các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới và kết thúc Hội nghị bằng việc thông qua một Tuyên bố chung do nhóm đại diện của các Chủ tịch Quốc hội soạn thảo.
Cho đến nay, WCSP đã và đang diễn ra 5 kỳ Hội nghị, gồm:
- Hội nghị lần thứ nhất, từ ngày 30/8 đến 1/9/2000, tại New York, Hoa Kỳ, với bản tuyên bố lịch sử "Tầm nhìn Nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba".
- Hội nghị lần thứ hai, từ ngày 7 đến 9/9/2005, tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ, với chủ đề chung: "Nghị viện và hợp tác đa phương: đáp ứng những thách thức của thế kỷ XXI".
- Hội nghị lần thứ ba, năm 2010, tại Geneva, Thụy Sỹ, với chủ đề chung "Nghị viện trong một thế giới khủng hoảng, trách nhiệm đối với nền dân chủ toàn cầu vì những mục tiêu tươi sáng".
- Hội nghị lần thứ tư, từ ngày 31/8 đến 2/9/2015, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ.
- Hội nghị lần thứ 5, từ ngày 19-20/8/2020, là phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tuyến, do Liên minh Nghị viện thế giới và Quốc hội Áo tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với chủ đề "Sự lãnh đạo của Nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và Trái đất". Đã có hơn 115 các nhà đứng đầu cơ quan lập pháp của các nước trên thế giới đã tham dự Hội nghị trực tuyến các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5.
Và Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 này, từ ngày 6 đến 9/9/2021, là phiên họp trực tiếp, được tổ chức tại Vienna, Áo. Hội nghị là điểm nhấn, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội Áo, sự phát triển của ngoại giao nghị viện đa phương trong đó IPU giữ vai trò tiên phong và sự đồng lòng, đoàn kết của các nghị viện thành viên. Để Hội nghị hiệu quả, thiết thực và sống động, các Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu trực tiếp tại các phiên thảo luận toàn thể về những chủ đề về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giảm thiểu tác động của COVID-19 và vai trò của chủ nghĩa đa phương. Dự kiến, có khoảng 114 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện, 30 Phó Chủ tịch Quốc hội đến từ 104 nghị viện thành viên IPU, 7 thành viên liên kết và 10 quan sát viên trên thế giới tham dự, góp phần làm sống động, nâng tầm ngoại giao quốc tế đa phương sau một thời gian dài gặp khó khăn vì dịch bệnh. Hội nghị sẽ thông qua bản Tuyên bố về chủ đề chính của Hội nghị.
Chủ đề tổng quát của Hội nghị là: “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và trái đất này”. Các phiên thảo luận sau đó sẽ xoay quanh chủ đề “Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân”, “Giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19”, “Chống lại thông tin sai lệch và ngôn ngữ kích động thù hận trong và ngoài mạng internet cần có các quy định mạnh mẽ hơn”, “Phục hồi sau đại dịch: Chuyển đổi nền kinh tế để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”.

* Đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu
Việt Nam là thành viên chính thức của IPU vào tháng 4/1979. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại IPU, có đóng góp thực chất cho Đại hội đồng. Những đóng góp này có tác động lan tỏa, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao. Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường.
Việc tham dự các hoạt động của IPU luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của quốc gia, tham khảo quan điểm quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu; đồng thời, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức. Các hoạt động này đã góp phần thông tin quảng bá về Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều vấn đề, nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Kể từ năm 2015, khi Liên hợp quốc đưa ra sáng kiến xây dựng chương trình phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam đã tham gia rất tích cực, với đóng góp nổi bật nhất là tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 tại Hà Nội (tháng 3/2015). Tại IPU-132, các nghị viện đã ra Tuyên bố Hà Nội "Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Tuyên bố này đã được truyền tải tới Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 9/2015 và đây là đóng góp rất quan trọng để Liên hợp quốc xây dựng, ban hành Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước được thiết lập, tăng cường.
Là một thành viên tích cực của Liên minh Nghị viện thế giới, Quốc hội Việt Nam thường xuyên cử Đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự các kỳ Hội nghị WCSP kể từ năm 2000 tới nay.
- Năm 2000, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu tham dự Hội nghị, tiếp tục thể hiện chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như góp phần tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
- Năm 2005, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lần thứ 2 tại New York, Hoa Kỳ. Đoàn Việt Nam đã cùng các đại biểu quốc tế trao đổi nhiều biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của Nghị viện đối với Liên hợp quốc và các hoạt động quốc tế, từ đó nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp nhằm thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phát biểu về quan hệ đối tác nghị viện toàn cầu vì các mục tiêu phát triển bền vững tại Hội nghị.
- Năm 2010, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lần thứ ba. Hội nghị có sự tham dự của 130 lãnh đạo Quốc hội, Thượng viện của 136 Nghị viện thành viên và đại diện các tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị. Hội nghị đã thảo luận, đánh giá về tình hình thực hiện MDGs; về xây dựng chuẩn mực nghị viện toàn cầu, “Hướng tới 2015: cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tăng cường sự tin tưởng giữa Nghị viện và nhân dân ”.
- Năm 2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu tham dự Hội nghị lần thứ tư. Tuyên bố của Hội nghị đề cập tới điều kiện tiên quyết bảo đảm cho dân chủ và phát triển bền vững là hòa bình và an ninh, lên án khủng bố, bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, kêu gọi nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đối thoại và thương lượng chính trị, phù hợp luật pháp quốc tế.
- Năm 2020, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự phiên họp trực tuyến của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (năm 2020). Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề chung của Hội nghị. Tuyên bố chung đã được Hội nghị thảo luận thông qua, kêu gọi giải pháp toàn cầu đối với các vấn đề toàn cầu, tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, bày tỏ tin tưởng vào vai trò của Liên hợp quốc. Tuyên bố cũng nêu cao vai trò của giới trẻ trong nghị viện, vấn đề đổi mới công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghị trường trong bối cảnh đại dịch.
- Năm 2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ tham dự Hội nghị WCSP 5 theo hình thức trực tiếp tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang châu Âu sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 với các hoạt động ngoại giao chủ yếu theo hình thức trực tuyến; diễn ra sau Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần cụ thể hoá đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với Lãnh đạo IPU, một số Chủ tịch Nghị viện các nước tham dự Hội nghị; Chủ tịch Hội đồng quốc gia Áo, đại diện các tổ chức quốc tế, gặp gỡ các doanh nghiệp Áo đang có dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các thành viên chính chức trong đoàn cấp cao của Quốc hội là Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ trưởng sẽ có các cuộc gặp với các đối tác để cùng trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA)...
Có thể khẳng định, hơn 70 năm qua, ngoại giao Nghị viện đã luôn là một kênh rất quan trọng, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực được dự báo có những biến động sâu sắc và khó lường, công tác đối ngoại của Quốc hội nói chung và chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói riêng tiếp tục khẳng định năng lực phát huy sức mạnh mềm từ khía cạnh lập pháp, đóng góp cho nhiệm vụ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại chung của đất nước./.

 

        Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết