Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Ngày phát hành: 27/09/2020 Lượt xem 880

Sáng 26/9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề "Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng"

PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo.

 

 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở và hiện nay đang lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 11/9/2020, hiện nay, văn kiện “chưa phải là văn bản cuối cùng, cần tiếp tục thảo luận, đào sâu suy nghĩ...”. Đối với những vấn đề lớn, mới, khó, còn có ý kiến khác nhau càng cần phải bàn thảo cho thấu đáo.

Hội thảo nhằm thu hút trí tuệ, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đóng góp ý kiến bổ sung, làm sáng rõ thêm những căn cứ khoa học - thực tiễn để kiến nghị hoàn thiện dự thảo. Kết quả hội thảo sẽ được chuyển tới Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổ biên tập Văn kiện, với Trung ương để có thêm hướng lựa chọn các phương án tối ưu khi trình bày những những vấn đề mới, khó, phức tạp trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trước khi công bố để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, dự kiến từ ngày 20/10/2020.

 

Tại Hội thảo với 16 tham luận và ý kiến trao đổi, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đã tập trung vào 9 nhóm vấn đề, là các nội dung lớn, phức tạp, mới, điểm nhấn của dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Các tham luận đã tập trung thảo luận, đánh giá tổng thể sự phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới trên các lĩnh vực, dự báo về bối cảnh, tình hình trong nước, thế giới, những tác động thuận và nghịch của nó đến việc hoạch định tầm nhìn phát triển đến năm 2045 và mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước đến 2030, 2025, nhất là các yếu tố mới, những thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức mà dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sử dụng để góp ý tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương chưa kịp thời cập nhật.

Các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề trọng tâm về phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung nhận định, dự báo khoa học và phân tích những xu hướng mới của kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam; việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam và xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hiện nay - những ngành và thành phần quan trọng của nền kinh tế, song vẫn còn những điểm yếu, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, thời gian tới cần tập trung đầu tư và cấu trúc lại mạnh mẽ.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận sâu các nội dung: Vai trò đột phá của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới; xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới; kiến tạo hệ thống phúc lợi xã hội tiến bộ, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao; vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường; vấn đề quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay. …

 

 

Các tham luận, thảo luận cũng đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó nhấn mạnh xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý - đột phá khẩu của đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc hiến định: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về nhận diện bản chất, cảnh giác và đấu tranh với những cách thức, thủ đoạn chống phá mới của chiến lược “diễn biến hòa bình” và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là việc thúc đẩy song hành, “nội công ngoại kích" cả hai chiến lược và nguy cơ trên, đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng..

Phát biểu ý kiến kết luận hội thảo, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết và xây dựng của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo. Ban Tổ chức sẽ tập hợp các ý kiến chuyển tới Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổ biên tập Văn kiện, với Trung ương để có thêm hướng lựa chọn các phương án tối ưu khi trình bày những vấn đề mới, khó, phức tạp trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trước khi công bố để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

 

PV

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết