Mạng lưới di động thế hệ thứ 5 (5G), chuỗi khối (blockchain), máy tính lượng tử... là những xu hướng phát triển công nghệ chủ đạo trong năm tới.
Biểu tượng mạng 5G tại một triển lãm trò chơi điện tử ở Makuhari,tỉnh Chiba, Nhật Bản, ngày 12/9/2019.
(Nguồn: AFP/TTXVN)
Năm 2019 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của lĩnh vực công nghệ như sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới di động thế hệ thứ 5 (5G), chuỗi khối (blockchain), máy tính lượng tử...
Theo dự báo hãng tin Pháp AFP, đây có thể sẽ là những xu hướng phát triển công nghệ chủ đạo trong năm tới, góp phần khôi phục lòng tin của người tiêu dùng vốn đang có phần lung lay.
Công nghệ 5G
Mạng lưới di động thế hệ thứ 5 được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa hệ thống thông tin liên lạc, cùng với nhiều lĩnh vực khác như giao thông đô thị.
Hình ảnh chiếc xe không người lái vận hành an toàn trên phố được mong chờ có thể hành hiện thực.
Tuy nhiên, cho đến nay, công nghệ 5G vẫn chưa đáp ứng được những mong mỏi do sự chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi.
Không giống như nhiều đối thủ cạnh tranh khác, trong đó có Samsung, công ty Apple vẫn chưa ra mắt chiếc điện thoại tích hợp công nghệ 5G.
Trong năm tới, xu hướng công nghệ này sẽ được đẩy nhanh do có thêm nhiều nhiều nước lắp đặt các trạm và thiết bị kết nối.
[Cần đặt công nghệ vào đúng vị trí để tránh nguy cơ tiềm tàng]
Trong bối cảnh doanh số điện thoại thông minh vẫn ổn định trên khắp thế giới, các nhà sản xuất đang tập trung hơn vào dịch vụ liên quan.
Dominique Bindels, nhà phân tích cấp cao của doanh nghiệp nghiên cứu Euromonitor International có trụ sở tại London, Anh, đã nhấn mạnh đến thành công của Apple trong lĩnh vực thanh toán và các thiết bị ngoại vi như tai nghe không dây AirPods.
Ông dự báo tai nghe thông minh, loa và các thiết bị gia đình kết nối với "Internet vạn vật" sẽ nằm trong những lĩnh vực phát triển mạnh trong năm 2020.
Một xu hướng khác phải kể đến việc tăng cường các dịch vụ truyền phát trực tuyến các chương trình truyền hình (TV streaming), sau khi Apple và Disney tham gia vào mảng này cùng với Netflix và Amazon.
Máy tính lượng tử
Đối với ngành công nghệ nói chung, công ty tham vấn kinh doanh Accenture đã sử dụng từ viết tắt DARQ để nêu bật 4 xu hướng lớn trong năm nay như công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo và máy tính lượng tử.
Một sản phẩm tiêu biểu cho công nghệ chuỗi khối chính là đồng tiền điện tử bitcoin. Facebook cũng đang tham vọng tạo ra đồng tiền số Libra, song vấp phải sự phản đối về chính trị tại nhiều nơi trên thế giới, và một số đối tác tài chính cũng đã rút khỏi dự án.
Không chỉ riêng khu vực tư nhân, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang nỗ lực thiết lập hệ thống thanh toán số riêng và dự kiến sẽ mang lại kết quả vào năm tới.
Tuy nhiên, các mạng lưới chuỗi khối sẽ ngốn nguồn năng lượng khổng lồ. Điều này cũng làm gia tăng quan ngại về các tác động đến môi trường và tăng các cuộc tranh cãi về sự đóng góp của công nghệ vào biến đổi khí hậu.
Quyền riêng tư
Đa số các công ty công nghệ hiện nay đều tham gia vào lĩnh vực xã hội, di động, phân tích và điện toán đám mây (viết tắt là SMAC).
SMAC giúp người tiêu dùng liên lạc với bạn bè, tìm kiếm và mua sắm một cách thuận tiện hơn. Bên cạnh những mặt tích cực, công nghệ này cũng làm dấy lên mối quan ngại về quyền riêng tư.
Hàng loạt vụ rò rỉ dữ liệu của Facebook vào năm ngoái đã cho thấy các công ty đang khai thác cuộc sống của người dùng trên mạng nhiều như thế nào.
Một tiết lộ gần đây cho thấy Google đang khai thác dữ liệu y tế của hàng triệu người dùng để tiếp cận mảng chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực công nghệ.
Cuộc chiến công nghệ
Trong năm qua, hai tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE của Trung Quốc đều bị Mỹ cáo buộc liên quan đến hoạt động tình báo của Bắc Kinh và bị Washington viện dẫn lý do an ninh để áp đặt các lệnh cấm các cơ quan liên bang sử dụng thiết bị của hai tập đoàn này.
Samm Sacks, chuyên gia về kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu New America, nhận định cả hai nước đều hợp tác rất nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu và sự tổn hại trong quan hệ song phương sẽ có tác động toàn cầu.
Theo bà, tình trạng đối đầu công nghệ sẽ còn làm tổn hại đến tiến bộ trong các lĩnh vực như kê đơn và chẩn đoán bệnh bằng AI.
Thuế công nghệ
Dự kiến đến tháng 6/2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ hoàn tất phương thức đánh thuế thu nhập toàn cầu đối với các hãng công nghệ lớn.
Riêng Pháp đã tự mình ban bố luật thuế kỹ thuật số mới, làm dấy lên nguy cơ đối đầu thương mại với Mỹ. Washington dọa sẽ đánh thuế nhằm vào nhiều loại hàng hóa của Paris sau quyết định áp thuế công nghệ của Pháp./.
Theo https://www.vietnamplus.vn/