Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo

Ngày phát hành: 26/11/2021 Lượt xem 3088


Ngày 26/11, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tổ chức Hội thảo phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, các chức sắc Phật giáo, chuyên gia, nhà nghiên cứu và một số cơ quan báo chí thường xuyên tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng cho biết, Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Từ xưa đến nay, tín ngưỡng, tôn giáo luôn chung sống hòa hợp, gắn bó với dân tộc. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, tín ngưỡng và các tôn giáo đã kề vai, đoàn kết bên nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.



Ngày nay, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của cả xã hội. Tại Đại hội XIII của Đảng, trong báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Đảng ta nhận định: tình hình tôn giáo ổn định, đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo; tuy nhiên, cũng chỉ rõ mặt còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng. Để khắc phục được những hạn chế này, cần tích cực hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo đến với Nhân dân cả nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Trọng, hiện nước ta có 36 tổ chức tôn giáo, 4 tổ chức và 1 pháp môn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 50.703 cơ sở tín ngưỡng; 29.801 cơ sở tôn giáo, 53.390 chức sắc, 95.360 chức việc; 40.075 người vừa là chức sắc, vừa là chức việc và trên 26,5 triệu tín đồ. Đây là một lực lượng nòng cốt, xương sống và có uy tín, tác động to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng tín đồ của các tôn giáo, với tổ chức cơ sở và con người có mặt từ thành thị đến nông thôn, với hoạt động truyền thông phục vụ cho việc truyền giáo chuyên nghiệp.

Tiếng nói và hoạt động của tổ chức tôn giáo không chỉ có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho quần chúng yên tâm tu hành theo luật pháp và giáo luật, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chống lại âm mưu của những kẻ đội lốt tôn giáo chống phá cách mạng làm ảnh hưởng đến giáo lý tôn giáo, mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến toàn thể cộng đồng, xã hội. Vì vậy, việc phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần ổn định chính trị - xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và thành công của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển bền vững đất nước, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ nói.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Tổng biên tập Tạp chí Công tác Tôn giáo Dương Thị Thúy Thịnh khẳng định, mỗi cơ sở thờ tự tôn giáo, mỗi chức sắc, chức việc tôn giáo là những địa chỉ làm truyền thông rất quan trọng và thuyết phục. Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã có nhiều hình thức gặp gỡ, tranh thủ và phát huy có hiệu quả vai trò của chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo chưa thực sự đầy đủ, các tổ chức tôn giáo chủ yếu tập trung thông tin, tuyên truyền về giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo phục vụ cho việc truyền giáo, củng cố đức tin, các hoạt động tôn giáo của tổ chức. Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, các hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật… chưa được đề cập nhiều.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thông tin, làm rõ thực trạng việc phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo đối với các vấn đề quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, giới thiệu về văn hóa, đạo đức, giáo lý, giáo luật của tôn giáo, hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc; đối ngoại...; cùng những vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề này.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mọi chủ trương, chính sách như la bàn chỉ hướng, song, để đường hướng đó thực sự đi vào cuộc sống dân sinh xã hội, Giáo hội tập trung truyền thông vào những lĩnh vực có sự gắn bó, gần gũi với những giá trị cao đẹp của đạo Phật như truyền thông các giá trị về đạo đức, nhân cách, về giáo dục, phát triển kinh tế, văn hóa, từ thiện xã hội, quan hệ quốc tế. Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Giáo hội coi trọng việc truyền thông tôn giáo về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giá trị của truyền thông đã được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, gắn với đời sống xã hội. Truyền thông Phật giáo đi vào đời và làm lợi ích cho tha nhân, xã hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo còn e ngại thông tin phản bác, đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, các hoạt động vi phạm pháp luật, mê tín dị đoan, lệch chuẩn đạo đức xã hội. Một số tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc có tâm lý e dè, ngại tiếp xúc với báo chí nên thông tin tuyên truyền về hoạt động tôn giáo cũng có phần hạn chế trên báo chí.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, công tác truyền thông về tôn giáo và chính sách tôn giáo qua các tổ chức tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức. Các tổ chức tôn giáo cũng có một số hoạt động truyền thông nhưng chưa thường xuyên mà theo vụ việc, lúc có, lúc không. Một số hoạt động truyền thông còn dè dặt, thậm chí mang tính hình thức.

Ông Nguyễn Thanh Xuân đề xuất, Ban Tôn giáo Chính phủ cần có những cuộc gặp chính thức với đại diện các tổ chức tôn giáo bàn về vai trò và trách nhiệm của các tôn giáo trong công tác truyền thông về chính sách tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có khả năng, vai trò và sự thuyết phục trong các hoạt động truyền thông những thành tựu về mọi mặt của đất nước thời kỳ đổi mới, trong đó có chính sách tôn giáo và đời sống tôn giáo. Vấn đề là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời gian tới./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết