Theo báo cáo thường niên mang tên Giám sát Năng lượng toàn cầu (GEM), công bố ngày 26/4, số lượng các nhà máy điện than trên toàn thế giới đã giảm trong năm 2021, tuy nhiên than đá vẫn là tác nhân chịu trách nhiệm lớn nhất cho sự nóng lên toàn cầu vì tạo ra lượng khí thải CO2 kỷ lục, đe dọa các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết năm 2015, tổng công suất của các nhà máy điện than đang xây dựng hoặc dự kiến triển khai đã giảm 75%, trong đó năm 2021 giảm 13% so với cùng kỳ năm trước đó xuống còn 457 gigawatt (GW). Trên toàn cầu có hơn 2.400 nhà máy điện than đang hoạt động tại 79 quốc gia, với tổng công suất là 2.100 GW.
Báo cáo trên cho biết hiện chỉ có 34 quốc gia đang xem xét triển khai các dự án nhà máy điện than mới, giảm từ con số 41 vào tháng 1/2021 và là mức thấp kỷ lục từ trước tới nay. Đáng chú ý, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cam kết ngừng tài trợ cho các dự án mới khai thác than ở bên ngoài biên giới.
Tuy nhiên, công suất của các nhà máy điện than trên toàn thế giới vẫn tăng 18 GW trong năm 2021 và tính đến tháng 12/2021, công suất của các nhà máy điện than đang được xây dựng tương đương với năm trước đó là 176 GW. Hầu hết sự tăng trưởng này đến từ Trung Quốc, nơi chiếm hơn một nửa số nhà máy điện than của thế giới. Khu vực Nam Á và Đông Nam Á xếp tiếp theo với tỷ lệ 37%. Trong năm ngoái, 75% số nhà máy điện than mới trên toàn cầu được khởi công nằm ở Trung Quốc.
Báo cáo cũng cho rằng các nỗ lực hạn chế sử dụng than đã chậm lại ở Mỹ. Tổng công suất của các nhà máy điện than ở Mỹ bị dừng hoạt động trong năm 2021 đã giảm năm thứ 2 liên tiếp, từ 16,1 GW của năm 2019, xuống 11,6 GW vào năm 2020. Con số ước tính của năm 2021 là từ 6,4 đến 9,0 GW. Để đáp ứng các mục tiêu khí hậu, Mỹ sẽ cần phải cắt giảm hàng năm 25 GW công suất của các nhà máy điện than từ nay đến năm 2030.
Trong năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt kỷ lục cắt giảm công suất của các nhà máy điện than với 12,9 GW, trong đó ghi nhận mức giảm 5,8 GW ở Đức, 1,7 GW ở Tây Ban Nha và 1,9 GW ở Bồ Đào Nha, trở thành khu vực không dùng than vào tháng 11/2021, đồng thời hoàn thành mục tiêu cắt giảm trước thời hạn 9 năm.
Ủy ban Liên chính phủ của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo rằng vẫn còn cơ hội để hạn chế sự nóng lên toàn cầu bằng việc dừng xây dựng các nhà máy điện than mới và nhanh chóng loại bỏ các nhà máy hiện có. Theo kế hoạch, các nước giàu phải hoàn thành mục tiêu này vào năm 2030, trong các nước còn lại sẽ phấn đấu thực hiện vào năm 2040./.
Theo TTXVN