Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2024

Thành phố Hồ Chí Minh cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển đột phá

Ngày phát hành: 30/03/2023 Lượt xem 494

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc tọa đàm

 

Nghị quyết mới nên chú trọng đến các vấn đề phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, mô hình quản lý hiện đại, mô hình thành phố trong thành phố, thành phố vệ tinh, áp dụng số hóa, chính quyền điện tử, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư nước ngoài…Đây là những ý kiến đề xuất được nêu lên tại Tọa đàm “Thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh" do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/3.

 

Tại toạ đàm, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong lần xây dựng Nghị quyết mới này, Thành phố không đặt trọng tâm vào việc khai thác nguồn thu như Nghị quyết 54 hiện hành mà đề nghị được thí điểm cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của Thành phố. Trong đó, có những vấn đề luật chưa quy định, có những vấn đề luật có quy định nhưng còn chồng chéo với nhau, không giải quyết được. Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 dự kiến có 4 nhóm nội dung với khoảng 40 cơ chế chính sách mang tính đột phá vượt trội gồm: nhóm cơ chế chính sách đã có trong Nghị quyết 54; nhóm các cơ chế chính sách đặc thù đã có với các địa phương khác; nhóm những nội dung dự kiến đưa vào sửa đổi các luật; nhóm các cơ chế chính sách mới do Thành phố Hồ Chí Minh chủ động đề xuất và các cơ quan Trung ương gợi ý.

 

Theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố Hồ Chí Minh phải được xác định là cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế Việt Nam, là đầu tàu, trung tâm về nhiều mặt, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế. “Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết mới, Thành phố Hồ Chí Minh xác định xây dựng những cơ chế chính sách đột phá vượt trội không chỉ cho Thành phố mà còn cho cả nước, vì sự phát triển của Thành phố sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước”, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi khẳng định.

 

Góp ý cho dự thảo Nghị quyết mới, ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, với quy mô của một Thành phố đầu tàu của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần đặt ra những mục tiêu tăng trưởng và phát triển cao hơn, từ đó đưa ra các giải pháp khác biệt hơn để Thành phát triển vượt trội. Trong đó, thành phố cần có thêm những chính sách nhằm phát triển khoa học kỹ thuật, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và mạnh dạn hình thành các thành phố vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố, ngoài thành phố Thủ Đức hiện hữu.

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm, dự thảo Nghị quyết mới cần nhấn mạnh rõ vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong sự phát triển của cả nước cũng như trong tương lai; đồng thời, phải nhìn nhận thực tế hiện nay tốc độ tăng trưởng, phát triển của Thành phố đang có xu hướng chững lại. Nguyên nhân là do nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Nghị quyết mới cần giải quyết được những vấn đề này.

 

Tại Tọa đàm, các đại biểu đề xuất Nghị quyết mới nên quan tâm hơn đến các vấn đề phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, mô hình quản lý hiện đại, mô hình thành phố trong thành phố, thành phố vệ tinh, áp dụng số hóa, chính quyền điện tử, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư nước ngoài,… Ngoài ra, các đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể cho từng điều khoản trong dự thảo Nghị quyết, trong đó có những ý cần làm rõ hơn, có những ý cần nghiên cứu, mở rộng hơn với mong muốn mang lại hiệu quả cao sau khi Nghị quyết được ban hành và đặc biệt là tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của Thành phố.

 

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố bày tỏ vui mừng khi hầu hết các điều khoản trong dự thảo Nghị quyết đều nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao. Các ý kiến cho rằng Nghị quyết mới không chỉ giúp tháo gỡ các vướng mắc từ các quy định hiện hành mà còn giúp cho Thành phố được trao quyền nhiều hơn, tạo không gian cho Thành phố chủ động thực hiện các chính sách đột phá cũng như thí điểm mô hình mới. Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ được UBND Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động để cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến, giữa tháng 4/2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đầu tháng 5 có dự thảo Nghị quyết chính thức./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết