Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với TP.HCM về các biện pháp phòng, chống dịch
Covid-19 chiều 7/7. Ảnh - VGP.
Từ 0 giờ ngày 9/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố trong 15 ngày theo Chỉ thị 16. Việc giãn cách toàn Thành phố trong thời điểm này là hết sức cần thiết để làm giảm nguy cơ lây nhiễm, giúp thành phố nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
* Áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9/7
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là điểm nóng nhất trên cả nước về dịch COVID-19. Tính từ ngày 27/4 đến 12 giờ ngày 8/7, Thành phố ghi nhận 8.585 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, trong đó có 45 bệnh nhân tử vong. Đáng chú ý, liên tục trong 17 ngày qua, trung bình mỗi ngày Thành phố phát hiện 543 ca mắc mới.
Ứng phó với đợt dịch thứ 4 này, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần thay đổi các phương án giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, từ ngày 31/5, áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Từ ngày 15/6, tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố. Đến tối ngày 19/6, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10/CT với nhiều biện pháp quyết liệt hơn nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đợt dịch lần này cùng với mật độ dân số rất cao, mức độ giao thương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh của Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều thách thức. Thành phố Hồ Chí Minh xác định cần phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa nên UBND Thành phố đã đề nghị áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý để Thành phố áp dụng có dự lệnh Chỉ thị này.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 9/7, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố trong 15 ngày theo Chỉ thị 16.
Để sẵn sàng cho việc thực hiện giãn cách toàn Thành phố theo Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để bảo đảm đời sống sinh hoạt của người dân không bị xáo trộn và ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu, trong quãng thời gian giãn cách xã hội, các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tận dụng thời gian để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch. Chính quyền cần thông tin rõ cho người dân những cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, thành phố sẽ tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng ô tô, trừ trường hợp vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… và một số phương tiện taxi chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết. Xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ và xe hai bánh truyền thống (xe ôm) vận chuyển hành khách cũng cần tạm ngừng hoạt động trong 15 ngày. Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động làm việc để kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến Thành phố Hồ Chí Minh.
* Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu
Nhằm đảm bảo cung ứng nguồn hàng thiết yếu cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch, chiều ngày 7/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập cuộc họp khẩn, thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với nhiệm vụ bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trước thực tế có một số người dân đã đi mua đồ để tích trữ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch đã có kịch bản dự trữ hàng hóa sớm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, đảm bảo để cung cấp cho tiêu dùng của người dân và sẽ không tăng giá. Do đó, người dân không cần phải tích trữ.
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách các điểm bán các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay… của hệ thống phân phối trên địa bàn để người dân yên tâm đi mua sắm. Sở Công Thương Thành phố cũng đã chỉ đạo ngay các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm bán hàng lưu động bình ổn cần tăng thời gian phục vụ và đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng online.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết Tổng cục Quản lý thị trường đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định thị trường. Đến thời điểm trưa ngày 8/7, lực lượng chưa phát hiện cơ sở, cửa hàng kinh doanh nào găm hàng, tăng giá, nhất là đối với những mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh như nước sát khuẩn, khẩu trang...
* Các Bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả
Cùng với yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh chủ động chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vaccine trong tháng 7/2021 cho Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vaccine kịp thời, an toàn và hiệu quả. Hiện Thành phố đã có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine đợt 5 với 100.000 liều do Bộ Y tế phân bổ. Đến nay, qua 4 đợt tiêm, Thành phố có 985.077 người được tiêm vaccine, trong đó 943.215 người tiêm mũi 1 và 41.862 người hoàn thành tiêm cả 2 mũi.
Về vấn đề điều trị, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; tiếp tục triển khai kế hoạch điều trị 20.000 giường, đảm bảo nguồn nhân lực và các trang thiết bị y tế. Thành phố cũng đã tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ và 1.500 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn để hỗ trợ công tác điều trị ở các bệnh viện điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đề xuất Bộ Y tế cung cấp thêm 1.000 bác sĩ; 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên; 500 chuyên gia, sinh viên chuyên ngành y tế công cộng và y học dự phòng để truy vết ca bệnh.
Trước đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, tại cuộc họp chiều ngày 7/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh để giúp Thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân”) để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sinh viên các trường y dược thuộc Bộ Y tế đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế để tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Dự kiến, Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác cho thành phố Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Về phía các địa phương, theo thống kê, đến thời điểm này có tất cả 14 tỉnh, thành phố sẵn sàng chi viện hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Trong đó, ngoài Nghệ An, Thanh Hóa ở miền Trung, 12 tỉnh còn lại đều ở phía Bắc. Ngoài cử lực lượng, các tỉnh còn lên kế hoạch hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh về hệ thống xét nghiệm RT-PCR với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh…
Theo TTXVN