"Thềm băng cuối cùng" ở Bắc cực đang bị tan chảy nhanh hơn dự báo
Gió mạnh và nhiệt độ ấm lên đã khiến diện tích của "Thềm băng Bắc cực nguyên vẹn cuối cùng" giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2020. Đây là kết luận trong công trình nghiên cứu được các nhà khoa học công bố ngày 1/7.
Theo các nhà khoa học, do biến đổi khí hậu, “Thềm băng cuối cùng”, vốn được xem là nơi ngủ Đông của loài gấu Bắc cực, đang bị tổn thương với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự báo. Là một phần thuộc vùng biển Bắc Băng Dương, kéo dài từ Tây Bắc Greenland đến Svalbard, với đặc trưng có nhiều lớp băng dày, tích tụ trong nhiều năm, diện tích của "Thềm băng cuối cùng" tại Bắc cực mặc dù giảm nhanh trong nhiều thập kỷ qua do mùa Hè dài hơn, nhưng giới khoa học vẫn dự báo "Thềm băng" này sẽ vẫn duy trì được diện tích lâu hơn các khu vực khác bất chấp nhiệt độ gia tăng.
Nhưng cho đến thời điểm tháng 8/2020, các nhà khoa học đã đo được diện tích bao phủ băng thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 50% trên biển Wandel.
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Âu theo dõi các số liệu thu được từ vệ tinh và mô hình băng trên biển, trong đó có tính đến các điều kiện môi trường như gió và nhiệt độ, phát hiện ra rằng 80% lượng băng mất đi là do gió mạnh, làm nứt vỡ và cuốn trôi phần lớn băng. Kiểm tra các mô phỏng tại khu vực này, dựa vào những số liệu có từ năm 1979, nhóm các nhà khoa học dự đoán rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến 20% băng còn lại tan chảy.
Tác giả của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Môi trường và Thông tin Trái đất, cho biết "Thềm băng cuối cùng" ở Bắc cực đang tan chảy thậm chí nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Đồng tác giả nghiên cứu trên, Michael Steele thuộc Đại học Washington cho biết trong tương lai, gió tại Bắc cực là yếu tố khó dự báo, nhưng tình trạng khí hậu ấm dần lên là yếu tố khá chắn chắn khiến băng tại bất kỳ điểm nào ở Bắc cực sẽ mỏng dần đi, đặc biệt diện tích băng của "Thềm băng cuối cùng" sẽ giảm nhanh hơn nhiều so với dự báo.
Chỉ trong vòng 40 năm qua, khi mà nhiệt độ tại đầu cực này của thế giới tăng nhanh hơn bất kỳ khu vực nào, lượng băng đo được trên biển vào mùa Hè ở Bắc Cực đã giảm gần 3/4. Đây cũng là hệ quả khiến các loài sinh sống và nuôi con trên băng - như gấu Bắc Cực - đang suy giảm nhanh chóng. "Thềm băng cuối cùng", vốn được xem là nơi sinh tồn của các loài gấu trong nhiều thập kỷ, kể cả khi các vùng băng khác bị biến mất vào mùa Hè. Tác giả Axel Schweiger, nhà khoa học vùng cực thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Washington khẳng định: "Tư duy hiện nay cho rằng khu vực này có thể là nơi ẩn náu cuối cùng cho các loài phụ thuộc vào băng sẽ không còn đúng khi các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, biến đổi khí hậu đang khiến Bắc cực bị tổn thương hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ". Đó mới là điều quan trọng./.
Theo TTXVN