Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp phát triển bền vững là nền tảng quan trọng quan trọng đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia

Ngày phát hành: 07/03/2021 Lượt xem 1116

Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Chiều 6/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” nhằm lắng nghe ý kiến, đề xuất của các doanh nhân, trí thức tiêu biểu trong việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có ngành công nghiệp hiện đại, thu nhập cao theo định hướng Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII đã đặt ra.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nhân, trí thức có đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh tầm khu vực và toàn cầu, đặc biệt phải có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đương những công việc lớn của đất nước. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng gần 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành công trên các lĩnh vực, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, đất nước vẫn đang đối mặt với không ít thách thức trên chặng đường hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của nước ta vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. Các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm chưa vững chắc. Quy mô kinh tế tăng lên nhưng quy mô tính GDP bình quân đầu người hay tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm, năng lực cạnh tranh của ngành và quốc gia chỉ ở mức trung bình thế giới. Các nút thắt phát triển chưa được giải quyết cơ bản, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động chậm phát triển. Những vấn đề lớn như quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn, thậm chí các trường đại học còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, một số thách thức ngày càng lớn hơn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… đang diễn ra nhanh, thậm chí rất nhanh.

“Trong bối cảnh đó, Chính phủ mong mỏi tất cả người dân, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, đến những trí thức đều thấm nhuần tinh thần câu nói “mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy. Đó cũng là lý do Chính phủ khởi xướng và sẽ tổ chức định kỳ chương trình “Đối thoại 2045” nhằm góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

 



Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast chia sẻ: Dự án sản xuất ô tô VinFast có thể coi là dấu mốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Từ ngành công nghiệp dẫn đầu này sẽ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế. Hiện tại đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Đây được xem là kỳ tích sau chưa đầy 2 năm tham gia vào thị trường ô tô của VinFast. Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho rằng, để hướng tới mục tiêu kinh tế phát triển, thu nhập cao vào năm năm 2045 phải tập trng vào các giải pháp đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Điển hình, Việt Nam hiện nay đang nổi lên trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản với kim ngạch tăng nhanh, tuy nhiên đây cũng là nhóm hàng gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng do hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối còn hạn chế. Chi phí phát sinh sau công đoạn sản xuất đến tiêu dùng hiện chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đáng kể, hàng hóa lưu thông tốt hơn mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối phải phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, để nền tảng công nghệ phát huy hiệu quả, Nhà nước cần nhanh chóng chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống sang nền kinh tế số hóa. Đồng thời chú ý định hướng tiêu dùng, tạo động lực cho các lĩnh vực gắn với phát triển xanh và tái tạo năng lượng.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Hơn lúc nào hết cần khơi dậy khát vọng đưa đất nước trở nên hùng cường trong mỗi con người, mỗi doanh nhân. Để có khát vọng đó cần có niềm tin lớn từ doanh nhân, doanh nghiệp vào Chính phủ và ngược Chính phủ cũng có niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp, trở thành “bà đỡ”, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico cho rằng, để hỗ trợ tăng trưởng, cải cách bên cạnh đổi mới tư duy rất cần đổi mới quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Quốc gia đổi mới, cải cách sẽ thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…

Bà Thảo cũng đề nghị Chính phủ  tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Một mặt hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Cùng quan điểm, nhiều doanh nhân, tri thức nhấn mạnh mức độ quan trọng trong việc tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế có thể dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

 

Thủ tướng và các đại biểu dự Đối thoại 2045. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với khát khao và niềm tin của cả dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn kinh tế lớn mạnh. Với những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ ngành, địa phương triển khai thành các giải pháp để giải quyết các vấn đề: Con người và công nghệ, trong đó chuyển đổi số mạnh mẽ cấp quốc gia; hoàn thiện  và minh bạch thể chế làm “bà đỡ” cho sự phát triển, trao cơ hội phát triển cho mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng; phát triển kết nối hạ tầng và tháo gỡ nút thắt đất đai cho doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của việc bảo vệ môi trường sống và bảo tồn văn hóa, giá trị tinh  thần của dân tộc.

Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp hiện nay không chỉ là đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích cổ đông mà phải sáng tạo và mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp phát triển bền vững là nền tảng quan trọng đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết