Công tác xã hội là nghề cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khác biệt, những người gặp khó khăn hoặc những người yếu thế trong xã hội. Sứ mệnh của người làm nghề này là góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội, giảm thiểu những rào cản trong xã hội. Nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”.
Chuyên môn hóa cán bộ làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội
Công tác xã hội được phát triển trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ 19, đến nay đã trở thành ngành phổ biến ở nhiều nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia. Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh viện đều có phòng công tác xã hội và đây là một trong những điều kiện để được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện.
Tại Việt Nam, song song với tăng trưởng kinh tế, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế như người già, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo và các đối tượng xã hội khác. Các chính sách trợ giúp ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về: nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề. Đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, đặt mục tiêu phát triển công tác xã hội thành một nghề ở Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020. Điều này đánh dấu một bước phát triển về ngành công tác xã hội, mở đường cho việc chuyên môn hóa các cán bộ làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội ở nước ta; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Chương trình đạo tạo công tác xã hội được thực hiện ở khoảng 55 trường Đại học và Cao đẳng.
Công tác xã hội được thực hiện trong nhiều lĩnh vực như: Bảo vệ trẻ em và phụ nữ nạn nhân của bạo hành gia đình và các hình thức bạo lực, ngược đãi, bóc lột, lạm dụng khác; Bảo trợ xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Tư pháp; Giáo dục; Y tế; Phát triển cộng đồng; Quản lý các dịch vụ xã hội của chính phủ, tổ chức xã hội; Nghiên cứu, xây dựng chính sách… Sự trợ giúp của cán bộ làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực này có một ý nghĩa quan trọng. Bằng cách tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm về nhu cầu của các chủ thể, nhất là những người thường bị nhìn nhận là “yếu thế”, hoàn cảnh thực tế của họ, cán bộ công tác xã hội sẽ đưa ra những hỗ trợ thích hợp cho đối tượng hưởng dịch vụ công tác xã hội. Điều này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội một cách hiệu quả và tăng cường an sinh xã hội.
Đặc biệt, công tác xã hội có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phục hồi cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhất là với các nhóm yếu thế. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thành công của việc khống chế, đẩy lùi đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, có sự đóng góp quan trọng của những người làm công tác xã hội cả nước, đặc biệt là đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội tại các bệnh viện, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma tuý, cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng. Thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, nhân viên công tác xã hội đã không quản gian khổ, hiểm nguy tận tụy chăm sóc, trị liệu tâm lý cho các bệnh nhân COVID-19 và các đối tượng cần trợ giúp xã hội; hỗ trợ có hiệu quả cho các đối tượng xã hội cần trợ giúp vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Thúc đẩy sự phát triển của nghề công tác xã hội
Để thúc đẩy hơn nữa công tác xã hội, tiếp thêm động lực để giúp những người yếu thế vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030.
Mục tiêu chung của Chương trình tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Cụ thể, từ 2021 đến năm 2030, đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội. Phấn đấu đạt cơ cấu tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội và quản lý ca tăng tối thiểu 30% so với năm 2025. Chương trình hướng đến đạt mục tiêu tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 40% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan.
Đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
Để đảm bảo kế hoạch những mục tiêu đã đề ra, chương trình đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: Xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội; Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo và giáo dục nghề công tác xã hội trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội…
Các trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, các cơ sở giáo dục, bệnh viện và các cơ sở của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát, sắp xếp phân công cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, hỗ trợ phạm nhân hoàn lương và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc khác. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 90.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội./.
Theo TTXVN