Trong bối cảnh vẫn đang oằn mình chống đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế, nước Mỹ những ngày qua còn phải đối mặt với một “thảm họa” tồi tệ nữa, đó là các cuộc biểu tình bạo động trên khắp đất nước. Các diễn biến này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi tương lai nước Mỹ sẽ ra sao?
Đoàn người biểu tình tại thành phố Columbia, South Carolina, Mỹ
* Nước Mỹ dậy sóng
Những ngày qua, nước Mỹ phải đối mặt với các cuộc biểu tình lịch sử, cùng với đó là tình trạng bạo lực leo thang khi những người biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc, phản đối lực lượng cảnh sát lạm quyền…
Sự việc bắt đầu từ sau khi công dân Mỹ gốc Phi George Floyd (46 tuổi) bị cảnh sát bắt với cáo buộc tiêu thụ tiền giả tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota (ngày 25-5). Đoạn phim công bố cho thấy một cảnh sát da trắng đã đè đầu gối vào gáy người đàn ông da màu này trong nhiều phút, khiến người đàn ông này tử vong không lâu sau đó tại bệnh viện. Người trực tiếp ghì chân lên gáy Floyd là cảnh sát Derek Chauvin đã bị bắt giam, truy tố về tội giết người cấp độ 3 với mức án tù có thể lên tới 25 năm. Ba cảnh sát còn lại cũng đã bị bắt giữ và bị buộc tội tham gia dẫn đến cái chết của ông Floyd. Đến ngày 8-6, viên cảnh sát Derek Chauvin, người đã ghì chết George Floyd đã phải ra hầu tòa lần đầu tiên và được Thẩm phán thành phố Minneapolis yêu cầu mức phí tại ngoại là 1,25 triệu USD. Theo đó, ở mức bảo lãnh tại ngoại có điều kiện, Derek Chauvin sẽ phải giao nộp vũ khí, không được làm việc trong cơ quan thực thi pháp luật hoặc an ninh ở trong bất kỳ tình huống nào, đồng ý rời khỏi tiểu bang và không liên lạc với gia đình George Floyd.
Sự việc trên đã ngay lập tức kích hoạt sự phẫn nộ của người Mỹ, khơi lại “vết thương chủng tộc” vốn âm ỉ ở Mỹ bao lâu nay. Từ ngày 29-5, nhiều cuộc biểu tình với quy mô khác nhau đã nổ ra trên khắp nước Mỹ và đến nay làn sóng biểu tình vẫn lan rộng và chưa có dấu hiệu lắng xuống. Mục đích của các cuộc biểu tình là phản đối bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ và ở nhiều thành phố ở các nước khác trong suốt 2 tuần qua. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa xong cũng có nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bao lực dẫn tới tình trạng đốt phá và hôi của buộc nhiều bang phải áp dụng lệnh giới nghiêm và huy động vệ binh quốc gia để đảm bảo an ninh. Thậm chí chính quyền Mỹ còn tính đến phương án sử dụng quân đội để lập lại trật tự tại nhiều thành phố.
Không chỉ ở Mỹ, hiệu ứng từ các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc còn lan sang lan rộng sang New Zealand, Canada, Đức, Anh, Ireland, Pháp… Trong đó, tại thủ đô Dublin của Ireland, người biểu tình tụ tập để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và lạm dụng vũ lực của cảnh sát Mỹ. Họ đã quỳ gối xuống đường để bày tỏ sự bất bình và yêu cầu một sự thay đổi mang tính hệ thống trước nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp, hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành để tưởng nhớ Floyd. Bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người do dịch COVID-19, những người biểu tình vẫn xuống đường ở các khu vực gần Tháp Eiffel, hưởng ứng các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Hàng nghìn người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc đã đụng độ với cảnh sát tại trung tâm thủ đô London của Anh. Tại Đức, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố để chống phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử dựa trên màu da.
Tại Bắc Phi, các đảng chính trị và các tổ chức phi chính phủ ở Tunisia cũng đã tổ chức biểu tình để phản đối chính sách phân biệt đối xử và bạo lực ở Mỹ. Hàng trăm người đã tham gia cuộc tuần hành trên đại lộ Habib Bourguiba - tuyến đường chính ở trung tâm thủ đô Tunis. Một số cộng đồng từ các quốc gia Châu Phi đang sinh sống ở Tunisia cũng đã tham gia cuộc tuần hành…
* Tương lai nào cho nước Mỹ?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc tại Mỹ không phải chỉ vì vấn đề mất an ninh hay tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một “hợp chủng quốc” luôn có những vết rạn nứt, thậm chí chia rẽ về chủng tộc mà chưa một đời Tổng thống Mỹ nào giải quyết được tận gốc rễ. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, trong lịch sử, Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ các quan điểm gây chia rẽ, hàn gắn người dân, mà điển hình là nỗ lực xóa bỏ quan niệm quốc gia được tạo dựng nên bởi những người đàn ông da trắng. Ngay sau nội chiến (1861-1865), Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Tu chính án thứ 13, chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ. Tới năm 1964, Đạo luật Dân quyền được thông qua, tuyên bố mọi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp.
Thế nhưng bất chấp mọi “liều thuốc”, xung đột sắc tộc tại Mỹ vẫn được ví như một loại virus, chỉ nằm im chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và sẽ phát tác ngay khi có cơ hội. Thế kỷ vừa qua đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột bạo lực, chủ yếu liên quan tới việc lực lượng cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức đối với những thành viên cộng đồng người da đen tại Mỹ. Theo những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, hằng năm có hơn 1.000 vụ việc cảnh sát nước này nổ súng gây chết người và nhiều người trong số này là người Mỹ gốc Phi. Đây chính là “ngòi nổ” gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân, đe dọa sự ổn định xã hội ở Mỹ. Nhìn vào thực tế những cuộc biểu tình đang diễn ra ở nước Mỹ, có thể thấy rõ còn rất nhiều việc phải làm để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa các chủng tộc.
Trước thực tế này, nhiều người đã đặt câu hỏi những gì đang xảy ra ở Mỹ sẽ tác động tới tương lai nước Mỹ ra sao?
Trước tiên, các hoạt động biểu tình hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội và nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 vẫn chưa giảm ở Mỹ. Mỹ vẫn tiếp tục là nước đứng đầu thống kê toàn cầu về số ca nhiễm và tử vong. Trong khi các bang ở Mỹ đang bắt đầu mở cửa trở lại thì lại nổ ra các cuộc biểu tình trong đó bao gồm tình trạng đốt phá và hôi của buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa khiến nhiều người dân chưa thể quay lại làm việc trong khi tới nay đã có hơn 42 triệu người phải đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề và tình trạng thất nghiệp tăng cao kỷ lục, trong khi đó việc hàng nghìn người tham gia biểu tình lại càng gia tăng khả năng dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.
Thêm vào đó, các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử và chính trường Mỹ trong thời gian tới. Hiện chưa rõ mức độ ảnh hưởng của nó ra sao nhưng một bộ phận lớn cử tri, đặc biệt là người da màu khả năng cao sẽ không bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, dựa trên cách phản ứng của chính quyền đối với các cuộc biểu tình những ngày qua. Ngoài ra, nhiều cử tri cũng sẽ nhìn vào cách xử lý tình hình để từ đó quyết định lá phiếu của mình vào tháng 11 tới, khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử.
Theo các nhà phân tích, các cuộc biểu tình hiện nay đang có phần khiến Tổng thống Trump gặp bất lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, bởi nhiều người đã chỉ trích cách giải quyết không khéo léo cuộc khủng hoảng sắc tộc những ngày qua của chính quyền Tổng thống Trump, cũng như việc xử lý không hiệu quả tình hình dịch bệnh dẫn tới những thành quả về kinh tế và việc làm của ông Trump từ hồi đầu nhiệm kỳ đã bị xóa bỏ. Dường như những bất lợi này đang góp phần tạo thêm cơ hội cho phe Dân chủ, cụ thể là ứng cử viên Joe Biden. Cho đến nay, ứng cử viên đang Dân chủ Joe Biden đang tranh thủ đưa ra các chính sách lấy lòng khối cử tri da màu và người nhập cư để tạo lợi thế trong cuộc bầu cử sắp tới. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng cho rằng, ông Joe Biden cũng có những thách thức nhất định. Đó là một mặt, phải đáp ứng được sự đòi hỏi, giận dữ của những cử tri da đen, nhưng mặt khác phải không được khoan nhượng đối với tình trạng tội phạm, vốn gây bất ổn những ngày qua. Trong khi đó, việc không khoan nhượng đối với tội phạm vốn lại là một điểm mạnh và thắng thế của phe Cộng hòa và Tổng thống Trump, nên cơ hội vẫn chia đều cho cả ông Trump lẫn ông Biden.
Vì vậy, các cuộc biểu tình đang diễn ra được nhận định sẽ có ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới ở một mức độ nhất định nào đó và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tương lai nước Mỹ, trước mắt là 4 năm của nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới./.
Trọng Đức (tổng hợp) TTXVN