Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Vì sao các đợt nắng nóng gay gắt đang thiêu đốt Trái đất

Ngày phát hành: 22/06/2022 Lượt xem 1300

Tháng 3 vừa qua, hai cực Bắc và Nam của Trái đất đã tăng nhiệt cao kỷ lục. Tháng 5 ở Delhi, nhiệt độ chạm ngưỡng 49 độ C. Tuần trước ở Madrid, trời nóng đến 40 độ C. 

Chú thích ảnh
Biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc các đợt nắng nóng tăng lên về tần suất, cường độ trên khắp thế giới". Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia cho rằng con người sẽ không thể tránh khỏi những hậu quả tồi tệ nhất về biến đổi khí hậu nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng như hiện nay. 

Khi nhận được kết quả đo nhiệt độ từ các trạm thời tiết ở Nam Cực hồi đầu tháng 3, các nhà khoa học từng nghĩ nó bị sai lệch. Nhiệt độ thay vì hạ xuống nhanh chóng khi mùa hè ngắn ngủi ở Cực Nam tắt dần thì lại tăng vọt. Tại trạm Vostok, cách cực nam địa lý khoảng 1.000km, nhiệt kế đo được mức chênh lệch hơn 15 độ C so với kỷ lục mọi thời đại trước đó. Trong khi ở căn cứ ven biển Terra Nova, nhiệt độ nước ở trên mức đóng băng, chưa từng từng thấy ở thời điểm này trong năm.

“Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như vậy”, chuyên gia về băng Ted Scambos, Đại học Colorado, chia sẻ với hãng tin AP. Nhiệt độ bất thường tương tự cũng được ghi nhận tại Cực Bắc. Khu vực này đã ấm hơn 3 độ C so với mức trung bình.

Chú thích ảnh
Người dân Texas, Mỹ, trú nắng dưới tán cây. Ảnh: Getty Images

Việc sóng nhiệt xuất hiện ở vùng cực có thể được xem như một dấu hiệu cảnh báo. Và nếu sóng nhiệt cùng xảy ra ở cả hai cực thì đó sẽ là một thảm họa khí hậu. Kể từ thời điểm đó, các trạm thời tiết trên khắp thế giới đã chứng kiến cột thủy ngân của họ tăng lên đồng loạt. 

Một đợt nắng nóng đã tấn công khu vực Nam Á hồi tháng 3, khiến nhiệt độ tại Ấn Độ và Pakistan tăng lên mức kỷ lục cách đây 122 năm. Thời tiết gay gắt vẫn tiếp diễn ở khắp tiểu lục địa này, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. 

Trong khi đó, tiết trời mùa Xuân lại nóng bức như giữa Hè ở Mỹ, với nhiệt độ tăng vọt trên cả nước vào tháng 5. Tây Ban Nha đã chứng kiến mức nhiệt 40 độ C vào đầu tháng 6 khi một đợt nắng nóng quét qua châu Âu.

Nhìn chung, cộng đồng khoa học đã nhanh chóng chứng minh rằng tình trạng nắng nóng kỷ lục này không phải là điều tự nhiên xảy ra. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy Nam Á có khả năng xảy ra sóng nhiệt gay gắt cao gấp 30 lần do tác động của con người gây ra với khí hậu.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng lấy nước từ xe thùng ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock

Ông Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Viện Đại học Bristol’s Cabot, giải thích: “Biến đổi khí hậu đang khiến các sóng nhiệt trở nên nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Nhiều đợt nắng nóng còn đặc biệt dữ dội hơn do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra. Tín hiệu này thậm chí còn có thể phát hiện thông qua số người chết do sóng nhiệt”.

Bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, cho biết chỉ riêng các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng tần suất lên tới 100 hoặc hơn. Bà nói: “Biến đổi khí hậu thực sự là một nhân tố thay đổi cuộc chơi khi nói đến các đợt nắng nóng. Chúng đã tăng lên về tần suất, cường độ và thời gian trên khắp thế giới”.

Hình thái thời tiết này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người, vì trực tiếp gây căng thẳng cho cơ thể và gián tiếp gây hại mùa màng, gây cháy rừng và thậm chí gây hại cho môi trường xây dựng, chẳng hạn như đường xá và các tòa nhà. Những người nghèo khổ nhất thường làm việc ở ngoài đồng, trong nhà máy, hoặc trên đường phố. Ở nhà họ cũng không có máy điều hòa không khí.

Bản thân chiếc máy điều hòa không khí cũng là một khía cạnh khác của vấn đề: việc ngày càng nhiều sử dụng cỗ máy ngốn điện này có nguy cơ đẩy nhanh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Radhika Khosla, Phó giáo sư tại Trường Smith thuộc Đại học Oxford, nhận xét: “Cộng đồng toàn cầu cần phải cam kết làm mát bền vững, hoặc chịu rủi ro phát thải khí nhà kính hơn nữa”.

Chú thích ảnh
Máy bay tham gia chữa cháy rừng tại vùng Catalonia, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Có nhiều cách để giảm tác động của nắng nóng cho người dân, chẳng hạn như sơn trắng phần mái nhà để phản chiếu ánh nắng ở các nước nóng bức, trồng cây thường xuân trên tường ở các vùng ôn đới, trồng cây lấy bóng mát, hoặc bố trí đài phun nước và nhiều không gian xanh hơn. Ngoài ra, chúng ta có thể thay đổi loại vật liệu trong các tòa nhà, mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Các đợt nắng nóng hiện tại xảy ra trong bối cảnh Trái đất ấm lên khoảng 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Các nước đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc Cop26 năm 2021 nhằm không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C. Đáng chú ý, những biến đổi khí hậu quá lớn sẽ không thể ứng phó bằng các tán cây râm mát hoặc những mái nhà sơn trắng. Nếu hành tinh tăng thêm 2 độ C, ước tính khoảng 1 tỷ người sẽ phải chịu đựng cái nóng khắc nghiệt. 

Bà Katharine Hayhoe, trưởng nhóm khoa học của Nature Conservancy khẳng định: “Nếu chúng ta tiếp tục phát thải khí nhà kính theo mức hiện nay, thì không biện pháp thích ứng nào có thể chống đỡ hậu quả đó”. 

 

Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết